Kể chuyện “Quảng Nam hay cãi”

Thứ sáu - 27/10/2017 10:11
Không biết chính xác được điểm xuất phát, nhưng suốt một dọc dài các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, Quảng Trị, Thừa Thiên, từ xưa đến nay vẫn hay phổ biến câu phương ngôn: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co…”. Thành ngữ này chính xác đến độ không cần phải… bàn cãi gì nữa. Quả là khó giải thích vì đâu lại chính xác đến vậy.
Kể chuyện “Quảng Nam hay cãi”

Để làm nên sự “nổi tiếng” cho bệnh hay cãi còn là do tính cách bộc trực, nặng về lý trí của người Quảng Nam nữa. Khi cãi, người kia cho dù dần dần nhận ra mình cãi không đúng, đuối lý nhưng họ vẫn… quyết tâm cãi đến cùng! Vì thế, người này dù biết mình đang thắng thế, nhưng cũng khó mà thuyết buộc người kia chấp nhận lý lẽ của mình.

Trong trường hợp này, ở Quảng Nam có một câu rất lạ để chê “đối phương” đang cãi với mình dù đuối lý mà vẫn gân cổ lên cãi là “cãi dóng”… Cũng có khi mình đang đuối lý, nhưng cũng quyết buông một câu xuôi xị “Cãi làm gì với cái đồ… cãi dóng đó”. Nói thế nhằm ngụ ý ta đây “không thèm chấp”, chứ nào phải thua đâu! Cứng đầu đến thế là cùng. Và cách nói lái ngộ nghĩnh ấy có thể khiến đôi bên bật ra tiếng cười để khép lại vấn đề đang tranh luận.

Mà thói đời, muốn cãi cũng không phải dễ. Muốn cãi ít ra trong đầu phải có một lập luận nào đó để phản bác lại vấn đề người ta đang đặt ra. Muốn cãi thì phải có thông tin. Người Quảng Nam không thiếu thông tin. Họ sống trên một vùng đất trù phú từng được gọi “Quảng Nam quốc” nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin; được cập nhật thông tin qua sinh hoạt “trên thuyền dưới bến” nhộn nhịp suốt mấy thế kỷ.

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong khi cãi, người Quảng nặng về lý hơn về tình. Bởi họ thường rạch ròi mọi chuyện.Vì thế, đôi khi đỏ mặt tía tai cãi nhau, để rồi sau đó, tự thâm tâm họ cảm thấy mình có điều gì chưa phải lắm. Lý không sai, nhưng tình đã “bay đi ít nhiều”. Điều này, cho thấy người Quảng ít uyển chuyển, mềm mỏng trong tranh luận, bởi họ quên rằng, có nhiều chuyện tưởng là đúng, cần phải gân cổ cãi cho bằng được.

Nghe nhiều người kể rằng, hội thảo chủ đề “Con người và con đất Quảng Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng, với sự tham dự của hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà đài, nhà xã hội học, nhà ngôn ngữ học, nhà địa trắc học, nhà thủy văn học, nhà thiên văn học, nhà sắc tộc học, nhà ẩm thực học, nhà chiêm tinh học… vv và vv nói chung đủ thứ nhà trong và ngoài nước. Vì học giả – nhà văn Nguyễn Văn Xuân là một nhà Quảng Nam học nổi tiếng, lại là bậc cao niên, nên mọi người trân trọng mời ông phát biểu đầu tiên. Nhưng ông kiên quyết từ chối vinh hạnh đó với lý do rất Quảng… Nôm: “Xin quý vị cứ phát biểu trước, chớ chưa ai nói chi hết thì làm răng tôi… cãi cho được?”

Kể chuyện một người thân với một người gốc Quảng Nam. Mọi mặt, 2 người đều sàn sàn và cùng qua Mỹ như nhau. Ông người Quảng Nam qua Mỹ trước 1 tháng, nhưng mọi thứ gì dính dáng đến Mỹ, ông bạn ấy phải hơn hẳn, chỉ bằng hoặc thua các ông tiến sĩ thực thụ đậu ở Mỹ này thôi.

Ví dụ:

-Cái nào? Chiếc xe Mỹ phải không?

-Thì cái Ford 89 đó!

-Rồi! Hư bộ “sạc” đó. Mua bộ mới đi!

-Trời ơi! Tôi mua bộ sạc mới, cách đây một tuần chứ mấy!

-Ông cứ cãi. Đã không biết thì phải im nghe! Thằng cháu tôi là kỹ sư mà tôi lại không biết hơn ông sao?

Ông bạn khốn khổ của tôi đi mua một bộ “sạc” khác mới toanh, hì hục ráp vào và xe vẫn…tắc tịt. Đành kéo ra shop, tốn thêm gần 200 đồng nữa xe mới chịu nổ.

Một lần khác:

-Này, sao thằng cháu tôi bảo lãnh vợ con nó gần 4 năm rồi mà vẫn không có kết quả?

-Trời ơi! Dốt quá! một năm thôi. Đó là luật.

-Tôi chưa thấy có người nào bảo lãnh một năm mà…

-Cũng cứ cãi! Cháu tôi nó làm ở tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok chẳng lẽ tôi không biết hơn ông à? Vợ chồng là ưu tiên 1, ông rõ chưa? Đã không biết lại hay cãi…

Khi nhận xét về tính cách hay cãi của người Quảng Nam người ta cũng ko hẳn xem đó là ưu điểm: “Mặt trái của tính cách Quảng Nam là vì hay cãi nên dễ dẫn đến cực đoan, bảo thủ; kiên quyết nhưng cũng dễ đưa đến khó dung hòa. Không khoan nhượng đối với kẻ thù là đúng, nhưng đối với bạn bè, đồng chí lại trở thành thiếu khoan dung. Những tính cách này thường gây trở ngại trong công việc và căng thẳng trong quan hệ một cách không đáng có.

Có một câu chuyện rất điển hình nói lên tính cực đoan của dân Quảng Nam: Hội đồng Nhân dân ở một xã nọ có 16 đại biểu họp kỳ thứ nhất để bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Người được đề cử là một nữ đảng viên trẻ, có năng lực, đã qua công tác ở cơ sở và cũng là người duy nhất được giới thiệu. Lần bầu thứ nhất có 8 phiếu đồng ý, 8 phiếu chống, sau khi trao đổi, thảo luận bầu lần thứ hai vẫn 8 phiếu thuận, 8 phiếu chống, bầu lần thứ 3 cũng như thế.

Sự “kiên định” của các đại biểu hội đồng đến thế là cùng. Dứt khoát không khoan nhượng, không dung hòa. Tính cách đó có thể là rất tốt, rất đáng học tập nếu trong trường hợp đối xử với kẻ thù, nhưng nếu đối với bạn bè, đồng chí thì quả là điều cần xem xét.

 

 

Dường như cái máu “hay cãi” đã thường trực luân chuyển trong tâm thức của người Quảng. Người ta thường kháo với nhau cách trả lời “xóc hông” của con dân nơi đây. Đại loại có người từ xa đến một vùng nọ, do mù mờ đường đi nước bước nên mới lễ phép hỏi:

– Thưa bác, có phải đường này dẫn lên Đèo Le không?

Thay vì gật hoặc lắc đầu và tận tình chỉ giúp người ta, thì câu trả lời “chướng” không chịu nổi:

– Chú mi nói chi lạ rứa? Đường này không đi đến Đèo Le thì đến đâu?

Chà! Thoạt nghe cách trả lời đó là đã thấy… “choáng”! Người hỏi ‘cứng họng”, ngắc ngứ không thể nói gì thêm được nữa dù có “tức cành hông”. Nói vậy thôi, chứ sau câu nói “ba gai” ấy, nếu thấy trời đã tối, đường lên đó khó khăn vì không có quán trọ tạm nghỉ qua đêm thì người chỉ đường sẵn sàng mời khách về nhà mình nghỉ để mai đi sớm! Đây là sự quảng đại, rộng rãi của người Quảng, họ tỏ ra quan tâm đến người khác cho dù mới gặp lần đầu.

 

Rõ ràng, trước những câu hỏi mà họ cho là “lãng xẹt”, không đáng để hỏi, mà vẫn hỏi thì họ sẵn sàng bộc lộ ngay thái độ của mình. Thái độ ấy ít nhiều cho thấy người Quảng trực tính, “thẳng ruột ngựa”.

Một trong những tính cách của người Quảng là nóng tính. Nóng tính nên mới hay cãi. Cãi cho bằng được nếu thấy không hài lòng về sự việc đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Một tính cách hình thành bao giờ cũng có “hai mặt của vấn đề”, nghĩa là vừa có lợi lẫn có hại cho người đó.

 

Ke chuyen Quang Nam Hay cai

 

Hay kể chuyện về Ông Ích Khiêm, một nhân vật “rặt Quảng”, là bậc tướng lĩnh xông pha trận mạc, từng lập nên nhiều chiến công hiển hách. Có giai thoại rằng, thuở ông còn là còn cậu học trò, tóc để chỏm, nhưng tính cách đã ương ngạnh.

Hôm ấy, trưa nắng gắt. Con đường làng Phong Lệ xưa nay vốn yên tĩnh giấu mình dưới bóng tre, nay bỗng rợp cờ xí… Tiếng la hét inh ỏi của bọn lính lệ đang dọn đường cho quan Tổng đốc về làng. Thiên hạ nhốn nháo trước cảnh tượng ấy. Ai nấy đều khép nép đứng dậy khi đoàn của quan nghênh ngang đi qua. Quan chễm chệ trên võng đòn cong phủ điều, đầu che bốn lọng xanh. Lúc ấy, trong quán nước dưới bóng đa rợp mát cậu thiếu niên họ Ông vẫn cứ ngồi bình thản, xem như không có chuyện gì phải chú ý cả. Đã thế hai chân của chàng lại còn xỏ vào trong một chiếc giày rách! Khi nhìn thấy hình ảnh ngạo mạn vô lễ ấy, quan ngứa mắt, sai lính bắt hỏi. Chàng thưa là học trò, nghe vậy quan cũng nguôi giận. Nhưng nghiêm mặt bảo:

– Ừ, học trò thì thử đối lại câu đối của quan, nếu không thì bị đánh đòn.

Vừa dứt lời, quan đọc luôn:

– Cắc cớ thay, hai chân xỏ một giày;

 Không một phút lúng túng, chàng ưỡn ngực đối lại:

– Sung sướng mấy, trên đầu che bốn lọng.

Hay nhất là ở chỗ “Sung sướng mấy” cứ nghe như có lời châm chọc. Nhưng nghe vậy, quan vẫn phì cười, hào phóng thưởng cho mấy lạng bạc và khuyên nên cố gắng đèn sách. Và chàng học giỏi thật. Chỉ mới mười lăm xuân xanh đã thi đậu Cử nhân, khiến vua Thiệu Trị phải khen “Thiếu niên đăng cao khoa”.

Trên bước đường “báo đền ơn vua”, Ông Ích Khiêm nổi tiếng mưu lược, nhưng lại quá cương trực, nóng nẩy. Năm 1847, sau khi đậu Cử nhân, ông được bổ làm tri huyện Kim Thành (Hải Dương). Năm 1865, ông được cử làm Tiễu phủ sứ, có công đánh dẹp bọn cướp biển, bọn phỉ đang chọc trời khuấy nước ở biên giới phía Bắc – nên còn được gọi là Ông Tiễu. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, dưới quyền chỉ huy của lão tướng Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm đã lập những chiến công oanh liệt để bảo vệ phòng tuyến Đà Nẵng. Dù lập nhiều chiến công, nhưng tính cách nóng nảy, “Quảng Nam hay cãi” vẫn không thay đổi. Chính vua Tự Đức đã từng nhận xét: “Ngươi vốn con người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nẩy, phàm việc không chịu ở người sau và vâng theo mệnh người…”.

Chính tính cách này đã giết Ông Ích Khiêm.

Một con người có tính cách gần như độc đoán, nói năng bộc trực ấy về cuối đời mới thấy rằng cứ sống “ngang như cua”, “ăn cục nói hòn” thì thật khó thành công ở đời, thậm chí còn mang họa vào thân. Khi bị đày vào nhà lao Bình Thuận, vì phe cánh trong triều tìm mọi cách ám hại, ông có viết bản di chúc, trong đó có đoạn thấm thía: “phải tuyệt đối theo lời di huấn của ta”: “Tự nghĩ từ nay về sau, các con phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, chớ xem nhẹ ngôn từ. Hãy lấy ta làm gương thì sẽ tránh được điều họa”.

Về sau, các con của ông như Ông Ích Kiềng, Ông Ích Thiện… cũng tiếp tục hào khí của cha, trước nạn ngoại xâm đã không “mũ ni che tai” mà tham gia phong trào Cần vương chống Pháp; các cháu nội của ông như Ông Ích Đường, Ông Ích Mắng… cũng tích cực tham gia cuộc chống sưu thuế vĩ đại nổ ra vào năm 1908 tại Đại Lộc (Quảng Nam) rồi lan rộng ra cả nước.

 

Trong nhà lao, Ông Ích Khiêm chọn thời khắc để chết là giờ Tý, ngày 19.7 năm Giáp Thìn. Cũng trong di chúc, ông đã chu đáo nghĩ đến lúc “Hài cốt của ta khi mang về, chọn nơi đồng bằng thoáng mát trong xã mà chôn, chớ không nên chôn vào hang núi và khi mang về trong vòng năm, ba ngày thì phải cử hành mai táng bình thường, không được chôn cất trọng thể, không những đã tốn của vô ích mà còn chuốc lấy tiếng cười chê và nỗi oán ghét của người đời nữa”.

Tính cách của người Quảng cũng thể hiện rõ ở lời dặn dò này. Việc làm cốt thiết thực, đúng thực chất, chứ không cần phải phô trương rình rang, tốn kém vô ích.

Cãi nhau không phải là đặc sản của người Quảng Nam. Cả thiên hạ đều cãi chứ không riêng chi họ, có điều theo đánh giá của chính thiên hạ – một đánh giá mang màu sắc dân gian – thì người Quảng Nam thích cãi hơn, thích lý sự hơn, thích đến nỗi cãi đã thành một tính trội – tính hay cãi. Vì vậy nếu bạn có tình cờ gặp một người gốc Quảng Nam và bạn không muốn được hay bị… cãi thì bạn đừng nói “Quảng Nam hay cãi” mà hãy nói “ Quảng Nam cãi hay” nhé!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây