Xưa, ở ven sông Tam Kỳ

Thứ bảy - 23/07/2016 07:28
Theo gia phả các tộc họ lĩnh tiền hiền một số làng xã ở các địa phương nay thuộc thành phố Tam Kỳ, những thủy tổ từ phía Bắc đến khai phá vùng đất này, buổi đầu đều cư trú ở ven các nhánh sông Tam Kỳ - Bàn Thạch - Trường Giang.
images1282528 SOng Tam Ky
images1282528 SOng Tam Ky

Phía hữu ngạn

Tìm hiểu về Tam Kỳ một cách có cơ sở và hệ thống, không thể không nói đến các làng xã lân cận về hữu ngạn sông Tam Kỳ như các làng Bích Ngô, Khương Mỹ, Phú Hưng, Tịch Đông nay đều thuộc xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành. Cũng không thể không nói đến làng Chiên Đàn, nay là hai xã Tam An và Tam Đàn thuộc huyện Phú Ninh. Các làng xã lân cận trên, trước đây vốn có tên chung là “đất thuộc phủ Tam Kỳ”- sau chia tách, đổi tên, vì lý do hành chính.

Theo tư liệu hiện còn ở các tộc họ địa phương, những lưu dân đầu tiên đến đất Tam Kỳ có quê gốc từ các vùng Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. Lớp vào trước lớp đến sau - bắt đầu từ thời nhà Hồ phát lệnh di dân vào trấn Tân Ninh, Quảng Nam xưa (đầu thế kỷ XV) đến lúc chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (đầu thế kỷ XVII). Tìm hiểu một số tộc tiền hiền, có thể thấy rõ điều đó.

Một văn bản hiện còn lưu tại nhà thờ tộc Bùi làng Phương Hòa (nay ở thuộc phường Hòa Thuận) cho biết ông thủy tổ của tộc này là Bùi Viết Nhân đã từ vùng Hà Đông miền Bắc vào Tam Kỳ ngay từ những năm đầu của triều nhà Hồ (niên hiệu Thiệu Thành thứ 2 - tức năm 1402 đời Hồ Hán Thương). Sau hai tháng trường trèo đèo vượt suối (băng sơn thiệp thủy), ông Bùi cùng vợ và các con vào định cư tại vùng đất có tên là “xứ Bà Môn”(nay gồm phường Hòa Thuận TP.Tam Kỳ và lân cận). Sau đó, tộc Bùi cùng một số tộc đến sau phát triển dần vùng này, lập nên làng Chiên Đàn (từng một thời là lỵ sở của huyện Hà Đông vào thời Nguyễn).

Theo một tư liệu nghiên cứu của hậu duệ tộc Đống ở làng Chiên Đàn (hiện còn lưu tại nhà thờ tộc ở khu vực chợ Kỳ Lý, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) thì tộc này có quê gốc ở làng Bạch Hạc vùng Phú Thọ - Bắc Bộ xưa đã vào vùng Tam Kỳ gần như đồng thời với tộc Bùi nói trên. Thủy tổ của tộc Đống đã mang theo tên “Chiên Đàn” gắn liền với một truyền thuyết từ miền quê gốc vào đặt tên cho nơi mới khai khẩn. Tộc Đống có hậu duệ là ông Đống Công Trường - một võ tướng thời Tây Sơn. Hiện hậu duệ còn giữ được các sắc phong cho vị võ tướng này.

Toàn cảnh mộ ông Tiền hiền tộc Ung làng Chiên Đàn (đã trùng tu).Ảnh: P.BÌNH
Toàn cảnh mộ ông Tiền hiền tộc Ung làng Chiên Đàn (đã trùng tu).Ảnh: P.BÌNH

Đồng tiền hiền làng Chiên Đàn là một vị có họ Ung. Mộ ông này hiện ở thôn Đàn Hạ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh. Theo tư liệu gia tộc hiện còn, ông họ Ung này là người Chăm ở lại cùng người Việt mới đến khai khẩn vùng đất này ngay từ buổi đầu vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy được cắt giao cho vua Hồ Quý Ly (đầu thế kỷ XV). Để thể hiện sự tôn trọng người có đầu tiên khai phá, ông họ Ung được phong là Đồng tiền hiền làng Chiên Đàn; mãi về sau trong các lễ tế tại làng Chiên Đàn, con cháu tộc Ung đều được giao lĩnh chức Chủ bái.

Tư liệu còn lưu của tộc Lê làng Trường Xuân (nay thuộc phường Trường Xuân) cho biết ông thủy tổ của tộc là Lê Tấn Trung, một võ tướng của vua Lê Thánh Tông có quê gốc ở làng Lỗ Hiền, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hoa đã theo nhà vua Nam chinh và được bố trí ở lại để trấn thủ vùng Tam Kỳ. Sau này, ông Lê Tấn Trung được phong là Tiền hiền khai khẩn làng Trường Xuân. Nhà thờ tộc Lê làng Trường Xuân-Tam Kỳ được giới nghiên cứu đến tìm hiểu nhiều vì không chỉ vì là từ đường của một tộc có công khai phá mà còn vì là nơi còn giữ nhiều tư liệu chứng minh sự đóng góp đắc lực của tộc này cho phong trào Tây Sơn cũng như các phong trào yêu nước chống ngoại xâm tại Tam Kỳ về sau này.

Vào Tam Kỳ gần như đồng thời với tộc Lê - Trường Xuân là bốn tộc Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ định cư ở làng Phú Hưng (nay thuộc xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành). Theo bản khai của con cháu bốn tộc này với đoàn khảo sát của Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội vào năm Bảo Đại thứ 17 (1941) thì cả bốn ông Nguyễn Đại Lang, Trần Quý Công, Lê Tây Trụ và Đỗ Quang Minh đều được sắc phong Đồng tiền hiền làng với thần hiệu “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần” (bản sắc phong ấy hiện còn lưu). Cha ông các vị này đều có quê gốc ở vùng ven biển Thanh Hóa - Nghệ An; sau đó hoặc ở lại Tam Kỳ sau khi tòng chinh hoặc theo đường biển vào Tam Kỳ lập nghiệp từ thời “Hồng Đức thập niên” (1479). Theo tư liệu hiện còn lưu, người của bốn tộc này đã khai khẩn công tư điền thổ, lập nên xã Tân Khương; sau đổi tên thành Phú Khương; sau nữa, do kỵ húy, đã đổi thành tên xã Phú Hưng vào thời Gia Long. Hiện mộ bốn vị tiền hiền đều nằm ở vùng đất Bàu Dũ - Tam Xuân I - là nơi có di chỉ khảo cổ học nổi tiếng cả nước.

Phía tả ngạn

Đối diện làng Phú Hưng, bên kia sông Tam Kỳ, về phía tả ngạn là làng Tam Kỳ. Đồng tiền hiền làng này là ông Trần Văn Nghiêm có quê gốc ở xã Kim Chuyết và ông Nguyễn Đăng Vinh có quê gốc ở xã Ngọc Lâm. Hai xã này đều thuộc vùng cửa biển Y Bích - còn gọi là cửa Linh Trường, huyện Hoằng Hóa thuộc địa phận Thanh Hóa xưa. Theo tư liệu hiện còn ở hai tộc này thì các ông tiền hiền Trần, Nguyễn thuộc đời thứ ba - kể từ khi các ông thủy tổ của họ vào Tam Kỳ. Các ông tiền hiền này đứng tên khai Bộ điền năm Cảnh Trị thứ 8 (1669 - đời vua Lê Huyền Tông), lập nên “Vi tử Tam Kỳ tân lập xã” bao gồm các xứ đất “Hóc La”, “Truông Dài- Nhà Núi”, xứ “Cây Cầy”, xứ “Rừng Họ”, xứ “Ê Đáp”, xứ “Do Gò Tha” (nay gồm toàn bộ địa giới ba phường An Mỹ, Phước Hòa và Hòa Hương, TP. Tam Kỳ). Chính vì thế, theo lệ, vào thời Nguyễn, người trong hai tộc này thay phiên nhau được cử giữ chức lý trưởng làng Tam Kỳ.

Tại làng Tứ chánh Bàn Thạch - nằm ven hữu ngạn sông Bàn Thạch (còn được gọi là Tứ Bàn hoặc Chợ Vạn) có 7 tộc Nguyễn, Trần, Hồ, Huỳnh, Đỗ, Đinh, Lê được phong là “Thất phái tiền hiền”. Trong 7 tộc này, có ông thủy tổ họ Nguyễn quê gốc tại làng Vân Thê, tổng Đường Pha, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa; có ông thủy tổ họ Trần có quê gốc ở làng Phong Nhất, xã Điện An, huyện Điện Bàn xứ Quảng Nam và có ông thủy tổ họ Hồ quê gốc ở làng Tú Tràng, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông, Quảng Nam. Ba làng Vân Thê, Phong Nhất, Tú Tràng này cũng chỉ là nơi tạm định cư trước khi đến Tam Kỳ (vào giữa thế kỷ XVIII); trước đó, theo tư liệu gia tộc, quê gốc của ba tộc này ở vùng Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. Bốn tộc còn lại đều được phong Đồng tiền hiền làng Tứ Bàn - hẳn là cũng từ các địa phương phía Bắc đến vùng này buôn bán rồi khai cơ dựng nghiệp đúng như câu ca còn lưu truyền tại địa phương: “Nguyễn, Trần, Huỳnh, Đỗ, Đinh, Hồ, Lê/ Đồng hướng Nam du hội nhất tề”.

Ven hai bờ sông Trường Giang có tộc Trần Kim, tiền hiền làng Phú Quý, hiện còn giữ một bản “trứ thuật” viết vào đầu mùa hè (mạnh hạ) năm Vĩnh Hựu nguyên niên (1735 - đời vua Lê Ý Tông). Bản văn này cho biết ông thủy tổ của Tộc là Trần Kim Bình đã từ làng Y Bích, huyện Thuần Hựu, phủ Hà Trung, thừa tuyên Thanh Hoa (tức vùng Thanh Hóa xưa) “từ sau thời Hồng Đức” đã vào vùng ven sông Trường Giang khai phá lập nên “Vi tử nhiêu phu Phú Quý hạ”. Sau đó con trai ông Bình là Trần Kim Bảng và cháu nội là ông Trần Kim Khôi đã mở rộng diện tích đất đai lập nên các xứ đất Bãi Tra, Vũng Nãy, Vườn Bà, Vũng Cầu, Lồi Lá. Tên các xứ đất ấy vẫn còn nguyên trong các trích lục (cũ) tại vùng đất Tam Thanh, Tam Phú và phường An Phú thuộc TP.Tam Kỳ bây giờ.

Ven sông quãng sông Bàn Thạch - Quảng Phú, đoạn gần giáp với sông Trường Giang, có làng Tịch Đông vốn có tên xưa là Tịch An Đông được ghi danh trong sách Phủ biên tạp lục và Địa bạ triều Nguyễn. Theo gia phả họ Mai, một trong những tộc lập làng này thì những cư dân đầu tiên làm nghề đóng thuyền; tất cả tập trung thành một đơn vị hành chính có tên là “thuộc Chu tượng” - tương đương đơn vị “tổng”.

Tất cả làng xã Tam Kỳ xưa đều tập hợp thành những đơn vị hành chính gọi là “thuộc”. Đa số cư dân ở các làng ven sông Tam Kỳ đều lệ vào “thuộc Kim hộ” (sau đổi thành “thuộc Liêm hộ” do kỵ húy) chuyên đào đãi vàng; cư dân đánh cá ở ven sông Trường Giang lệ vào “thuộc Hà Bạc”; cư dân buôn bán vùng ven sông Bàn Thạch đều lệ vào “thuộc Thương nhân hội tân”. Nay có thể tìm thấy trên nhiều văn bia cổ ở Tam Kỳ những từ chỉ đơn vị hành chính cũ này.

Còn rất nhiều tộc phái ở vùng Tam Kỳ xưa, do hoàn cảnh chiến tranh và thiên tai, đã không còn giữ được tư liệu về lịch sử di dân và khai phá vùng đất mới. Tuy nhiên, qua lời kể lưu truyền trong các tộc, có thể dựng nên bức tranh toàn cảnh về buổi đầu tổ tiên họ vào khai phá đất Tam Kỳ. Bức tranh ấy đã được khái quát qua tám câu thơ khắc trên Bia mộ ông tiền hiền tộc Nguyễn, làng Bích Ngô, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ xưa: “Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ Thần, Thánh mới lập đình/ Đào ao đắp đập phòng trời hạn/ Đãi cát, bòn vàng nạp thuế thanh/ Lịch sử vì đâu lưu lạc mất/ Tám câu xin ứng nghĩa đồng thanh”.

Sau khi “lưu đáo” đến vùng đất mới, lập xã ấp, “sinh hạ” con cháu, đánh cá, “khẩn ruộng”, “lập đình”, “đào ao đắp đập”, “đãi cát, bòn vàng”, đóng thuyền, và sau là thêm nghề buôn bán… đó là bức tranh chung của cư dân buổi đầu đến đất Tam Kỳ. Tình hình đó đã được nhiều sử liệu ra đời lúc đương thời chứng thực như “Phủ tập Quảng Nam ký sự” của Mai Thị viết vào khoảng các năm 1558-1571, như “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776.

PHÚ BÌNH

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây