Dấu ấn Nguyễn Sự

Thứ bảy - 29/08/2015 22:27
Nguyễn Sự là một cái tên gắn liền với Hội An suốt hai thập kỷ qua. Nguyễn Sự vừa từ chức Bí thư Thành ủy Hội An hồi đầu tháng 6/2015, nhưng vẫn còn đương nhiệm Chủ tịch HĐND TP Hội An.... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/dau-an-nguyen-su-post148168.html | NongNghiep.vn
Hội An (tỉnh Quảng Nam) mỗi năm thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế. Để Hội An có được vị trí sáng rực trên bản đồ du lịch Việt Nam, có sự đóng góp của nhiều thế hệ, nhiều ngành nghề. Thế nhưng, không thể quên công ông Nguyễn Sự!
Nguyễn Sự! Đúng, Nguyễn Sự là một cái tên gắn liền với Hội An suốt hai thập kỷ qua. Nguyễn Sự vừa từ chức Bí thư Thành ủy Hội An hồi đầu tháng 6/2015, nhưng vẫn còn đương nhiệm Chủ tịch HĐND TP Hội An.
Chuyện từ chức của Nguyễn Sự cũng xôn xao dư luận lắm, nhưng với Nguyễn Sự thì thật bình thường: “Tôi quan niệm rằng Chủ tịch hay Bí thư, vị trí lãnh đạo không phải là gia tài điền sản do ông bà, cha mẹ để lại cho mình mà nó là của xã hội. Vị trí cũng do xã hội đặt anh lên, Đảng giao cho anh.
Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi. Tôi không muốn như vậy.
Đã đến lúc mình cần rời vị trí thì phải rời. Một đoạn đường 21 năm với cương vị chủ chốt của thành phố, bây giờ mình đặt gánh xuống trao lại cho anh em có nghĩa là mình rời cái gánh lo toan rất nhẹ nhàng”.
Nguyễn Sự lên làm Chủ tịch TX Hội An từ năm 1994. Sau hai nhiệm kỳ Chủ tịch, Nguyễn Sự tiếp tục làm Bí thư TX Hội An.
Năm 2008, Hội An được nâng cấp lên thành phố, và Nguyễn Sự làm Bí thư Thành ủy Hội An cho đến ngày xin rút khỏi cương vị người đứng đầu đô thị cổ nổi tiếng nhất miền Trung.
Tôi không nhớ đã gặp Nguyễn Sự lần đầu tiên vào dịp nào, nhưng ấn tượng sâu đậm khi Nguyễn Sự bằng tư cách lãnh đạo của mình đã ra quyết định trùng tu Từ đường tộc Nguyễn Tường nằm gần Chùa Cầu vào năm 2005. Đây là nơi phát tích của dòng hộ Nguyễn Tường sau này khai sinh ra nhóm Tự Lực Văn Đoàn lừng lẫy, với những tên tuổi như Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo - Nguyễn Tường Long, Thạch Lam - Nguyễn Tường Lân.
Thái độ trân trọng quá khứ của Nguyễn Sự đã mang lại cho Hội An thêm một di sản văn hóa. Bởi lẽ, Từ đường tộc Nguyễn Tường được xây dựng từ 1806, trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, giống như một minh chứng cho cốt cách và sức sống Hội An.
Không chỉ gắn bó với Tự Lực Văn Đoàn, Từ đường tộc Nguyễn Tường còn lưu giữ bản Hương ước đầu tiên của Hội An do Nguyễn Tường Tiếp biên soạn cuối thể kỷ 19, quy định 10 điều ứng xử trong cộng đồng cư dân.
Hiện tại, Từ đường tộc Nguyễn Tường là một địa chỉ tiêu biểu mà du khách luôn muốn thăm viếng khi đến Hội An! Nguyễn Sự có bề ngoài khá khắc khổ, không có tướng mạo đường bề như thiên hạ vẫn hình dung về những kẻ chốn quan trường. Bao nhiêu năm, Nguyễn Sự vẫn không thay đổi nhiều, vẫn dáng dong dỏng cao, vẫn da ram rám nắng. Và đặc biệt, vẫn nguyên chất giọng sang sảng hùng biện theo thói quen “Quảng Nam hay cãi”.
Ngồi trò chuyện với Nguyễn Sự rất thú, rất dễ cãi nhau nhưng ngã ngũ thì rất vui vẻ. Nguyễn Sự làm lãnh đạo Hội An đến 21 năm, tiền bạc có nhiều không? Sau khi Nguyễn Sự từ chức, tôi đến Hội An với câu hỏi có vẻ đầy tò mò và đầy cắc cớ như vậy. Tôi lựa Chủ nhật, không phải tìm Nguyễn Sự ở cơ quan, mà đến nhà Nguyễn Sự.
Cứ đường Cửa Đại đi từ đoạn sầm uất đến đoạn vắng vẻ, rẽ qua một cái chợ, rồi qua một cái cầu nhỏ. Kia rồi, vẫn nhà Nguyễn Sự như xưa, vẫn hàng rào ô rô xanh mướt, vẫn mấy gian tường vôi… Nguyễn Sự mở cổng, cười khì khì, nét cười tự tin và thanh thản kiểu Nguyễn Sự! Mảnh sân rộng, Nguyễn Sự nuôi gà tre, nuôi bồ câu và nuôi chim trĩ. Mỗi loại dăm ba con.
Chắc chẳng buôn bán gì nhỉ? Nguyễn Sự cười: “Cũng chẳng ăn uống bao nhiêu. Chủ yếu nuôi cho có môi trường thiên nhiên!”. Lại thắc mắc, sao chẳng thấy mùi kinh tế thị trường gì cả? Nguyễn Sự lại cười: “Tôi muốn nhà mình được tứ đại đồng đường. Thế nhưng, tôi vừa có cháu nội thì ba má của tôi qua đời. Vẫn tam đại đồng đường thôi!”.
Vẫn phòng khách rất nhỏ, xung quanh toàn sách. Nguyễn Sự pha trà và lại say đắm nói về… Hội An. Dường như Hội An đã thành máu thịt của Nguyễn Sự. Cũng dễ hiểu, Nguyễn Sự sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, thành bại vui buồn đều ở đây. Với Hội An, Nguyễn Sự thuộc từng giàn hoa giấy, Nguyễn Sự thuộc từng mảng rêu, Nguyễn Sự thuộc từng ngõ ngách, thậm chí Nguyễn Sự còn thuộc từng lần tôn tạo mỗi ngôi nhà cổ. Thỉnh thoảng, Nguyễn Sự tạm ngừng diễn thuyết về Hội An vì… có người dân đến tìm. Nguyễn Sự được dân tin yêu và Nguyễn Sự không ngần ngại giải quyết ngay mọi khiếu nại của người dân.
Thực tế, Nguyễn Sự thường xuyên giải quyết việc công vào Chủ nhật. Mấy góc chợ chồm hỗm xung quanh phố cổ chẳng hạn, có vẻ phức tạp vì có những người dân bày bán sản vật cây nhà lá vườn. Tất nhiên, lực lượng chức năng phải dọn dẹp. Nguyễn Sự nghe vậy, liền đạp xe đến từ rất sớm. Nguyễn Sự mua ổ bánh mì và ngồi ăn ngay trên lề đường. Trật tự phường ùa đến, từng người buôn thúng bán mẹt bê đồ bỏ chạy. Một cụ bà vì hãi quá mà ngã lăn ra đất. Nguyễn Sự đỡ cụ bà dậy và… gọi điện triệu tập các ngành liên quan. Góc chợ tự phát bỗng dưng thành chỗ họp giao ban, Nguyễn Sự chốt vấn đề: “Bà cụ này bán mấy quả ổi, cũng giống như má tôi ngày xưa bán mấy quả chuối nuôi tôi ăn học. Đặc trưng của nông dân nghèo luôn tự sản tự tiêu như vậy. Từ nay, buổi sáng cứ để mọi người tự do bán hàng trên vỉa hè. Đến 11 giờ là phải giải tán, vì buổi trưa trở đi chỉ có dân mua qua bán lại kiếm lời thôi!”.
Vì vậy, Hội An hôm nay có những phiên chợ nhỏ, chỉ họp vào buổi sáng, toàn rau trái vừa hái từ vườn nhà! Nguyễn Sự bảo: “Tôi là một nhân chứng của Hội An nè. Tôi tin Hội An là mảnh đất thiêng. Thời chiến tranh, khói lửa ngợp trời, mà không có mảnh bom nào rơi vào phố cổ. Rồi hòa bình, phong trào dệt bùng lên, người dân tháo hoành phi câu đối để có nơi đặt khung cửi, nhưng không ai dỡ kèo dỡ cột. Người dân ý thức bảo quản những gì tổ tiên để lại, thì tại sao mình không đồng hành với người dân!”.
Nghĩ vậy, nên khi nhận chức Chủ tịch TX Hội An thì Nguyễn Sự lao ngay vào việc giữ gìn phố cổ. Vợ của Nguyễn Sự hé lộ: “Ba tháng đầu ổng sút 7 ký, và không bao giờ về nhà trước 12 giờ đêm!”. Điều khiến Nguyễn Sự băn khoăn nhất là theo thời gian nhà cổ bị xuống cấp. Nhà nào cũng muốn thay đổi cấu trúc để thuận tiện cho sinh hoạt. Gỗ càng ngày càng đắt, xây nhà mới còn rẻ hơn sửa nhà cũ. Nếu chính quyền không hỗ trợ thì người dân không thể giữ phố cổ.
 Phương pháp bán vé tham quan trước đây chỉ mang tính được chăng hay chớ, quầy bán vé như… thùng từ thiện, mỗi năm thu 52 triệu đồng nhưng chi phí hết… 57 triệu đồng.
Nguyễn Sự gặp gỡ các Cty lữ hành và thông báo: Bán vé 50 ngàn/người! Nguyễn Sự lý giải: “Người Hội An bán cái yên tĩnh của mình để sống!”. Kết quả, mỗi năm thu được 70 tỷ đồng. Nguồn tiền này được chia cho các hộ dân cần trùng tu nhà cửa. Ai muốn sửa nhà, ngân sách ủng hộ 35% với điều kiện phải sửa đúng theo nguyên bản. Cá biệt, nhà cổ nằm sâu trong hẻm, thì ngân sách chi luôn 100% để bảo tồn!
Ngày từ nhiệm Bí thư Thành ủy Hội An, Nguyễn Sự phát biểu: “Tôi có hai sai lầm. Thứ nhất, vì mê thơ mê nhạc mà đâm ra mê hoa sữa, đã mang hoa sữa từ Hà Nội vào trồng ở Hội An khiến hương thơm của nó làm người dân khó chịu. Sai lầm này tôi đã giải quyết. Thứ hai, cho mở resot ven biển Cửa Đại làm ảnh hưởng dòng chảy của sông Hoài, gây sạt lở một số nơi. Dù chưa ai lên án nhưng tôi vẫn tự nghĩ đó là cái sai của mình, không tránh né nhưng tôi cũng được an ủi là mình vì cái chung cả, vì mong muốn cho thành phố phát triển, người dân có công ăn việc làm khi dịch vụ mở ra”. Tôi hỏi, về hưu có dự định gì không? Nguyễn Sự cười: “Chăm cháu dùm con. Và hãnh diện làm một người Hội An tử tế!”. Không dễ tìm lãnh đạo địa phương sâu sắc, bộc trực và chân thành như Nguyễn Sự!
ài Gòn, 8/2015... 

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây