Hạt lệ sương khô

Thứ năm - 20/08/2015 21:43
Nhiều lần trên đường đi công tác lên huyện Trà My, Đông Giang, ngồi trên xe mà đầu tôi cứ miên man hình ảnh cha tôi đang chui vào bụi lá khô bên đường cố chống chọi với cơn sốt rét rừng quái ác - di chứng từ thời dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường Quảng Nam, Tây Nguyên…
Hạt lệ sương khô

Thời ấy, lên cơn sốt dọc đường là nỗi sợ hãi của dân nghèo, phu phen - sốt cháy cổ rét thấu xương, hai hàm răng đánh nhau cồm cộp và chết có thể đến bất cứ lúc nào. Qua cơn sốt cha lại tiếp tục đi. Trên vai mấy chục cân mắm muối đè nặng lên đôi chân rướm máu, cha len từng bước từ Tam Kỳ lên Tiên Ngọc, Tiên Lãnh đến tận Trà My gom đổi từng ang lúa cân bắp, mớ hạt mít khô… gánh đi, gánh về hơn trăm cây số. Sức người còm cỏi, nhiều lúc thở không ra hơi nhưng cha tôi chỉ nghĩ làm sao kiếm được cái ăn cho các con đang nheo nhóc ở nhà. Nghĩ đến đây mắt tôi ngân ngấn, cổ họng nghe tươm vị mặn như lớp muối dày trên lưng áo cha.

Khổ là thế, nhưng mỗi khi nhắc chuyện xưa, gương mặt cha lại rạng lên chút tự hào, rằng mình cũng góp được tí công cùng toàn dân trong đại cuộc giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà. Ngày trước khổ lắm, cả làng tôi ai cũng làm thuê cuốc mướn, bươn chải đủ nghề mà thiếu đói vẫn quanh năm. Cảnh tịch lặng nơi thôn xóm như trĩu nặng trong những tiếng thở dài ta thán. Trẻ con mới lớn, cha mẹ đã cho đi ở đợ kiếm cơm. Đến mùa lấy được ang lúa, sét khoai cũng giúp được nẽo nhà qua cơn khốn khó.

Thương con thơ dại, cha tôi quyết không cho anh em tôi đi ở đợ như nhà người ta, mọi nỗi gian truân cha mẹ đều cam chịu. Dù vậy, nhưng tôi cũng sớm vào đời lao lực phụ giúp gia đình. Chín mười tuổi đã theo mẹ, cô dì mót khoai ở tận Trà Cai, Phương Hòa, Mỹ Thạch... Dậy đi từ lúc trời chưa sáng đến đêm sâu mới về tới nhà. Hôm nào mót được nhiều là mừng lắm, nhưng khi gánh về thì la lết dọc đường, tối đen chưa về tới nhà. Cha tôi chờ nóng ruột phải lên tận đầu làng gánh đỡ hai mẹ con.

Những năm mất mùa thiếu đói, cả làng ăn củ chuối, chạc khoai để cầm hơi. Nhiều người phải vay nợ đợ nhà tứ tán khắp nơi. Bà con làng cát ven biển đói quá phải đi xin ăn, nhiều người phải cho đi đứa con rứt ruột đẻ đau để đổi lấy cái ăn lây lất qua ngày. Những đứa con bất hạnh ấy, nhiều người chẳng biết mẹ đẻ mình là ai. Anh bạn tôi, mỗi lần nhắc đến mẹ, nhắc đến nội ngoại thầm nuốt nước mắt vào trong. Bây chừ, mỗi khi nói đến khó khăn thiếu đói, một số người hay nói thời bao cấp. Đúng, thời bao cấp khó khăn bầm dập thật; nhưng với dân quê tôi, cái khó khổ ấy chẳng thấm vào đâu so với quãng đời tối tăm, đói khổ triền miên của họ trong những năm về trước.

Cha mẹ tôi ra riêng, làm mảnh nhà tí tẹo ở góc vườn vừa đủ cho mấy con người che mưa nắng, muốn vào nhà phải khom xuống mới qua lọt. Nhiều đêm nằm ôm lưng mẹ nghe mưa từng giọt nước nhỏ đuôi tranh, lắng nghe bước chân cha về sau giờ tập luyện dân quân. Nhớ buổi sáng vừa thức dậy, thấy trên cửa mạch có treo con lươn vàng ươm, miệng ngom ngóp. Mẹ nói cha lặn lội cả đêm qua bắt được, để dành nấu cháo cho con. Mùi cháo lươn thơm phức, hơn sáu mươi năm rồi mỗi khi nhắc đến tôi vẫn nghe thơm. Như cảm nhận được điều sâu thẳm ấy, một hôm vợ tôi đi chợ về nói, trưa ni xuống chở ông nội lên ăn cơm. Tôi phát hiện trong túi xách mấy con lươn vàng ươm. Thế là cả nhà quây quần bên mâm ăn, mùi cháo lươn thơm lừng lan lan phả vào kỷ niệm tuổi thơ tôi...

Một tối mùa hè, trăng giữa tuần vừa nhú khỏi rặng tre cuối làng. Ánh trăng lung linh trên vòm cây kẽ lá, mơn man quyện theo mùi hương rơm rạ. Mấy người bà con trong làng cười nói râm ran giúp cha tôi khiêng bổng ngôi nhà đang ở băng qua cánh đồng chuyển đến nơi mới - mảnh đất cằn cỗi cuối bìa làng được chính quyền Việt Minh phân cho. Nhiều người gọi nơi đây là chòm “đất lói”, nhưng đối với gia đình tôi, có được mảnh vườn riêng quả là hạnh phúc. Hồi ấy, tôi chừng ba, bốn tuổi được cậu cõng đi theo. Địu trên lưng cậu, tôi ôm theo bó lạt và mấy con sẻ tre. Thức coi mọi người làm, tôi ngáp lên ngáp xuống và ngủ lúc nào không hay. Sáng dậy, thấy mình đang nằm trên chiếc chõng tre kê ở đầu hồi. Qua một đêm, gia đình tôi có ngôi nhà mới. Bà con nghe nói, ai cũng chạy đến thăm, người cho trái bí, người giúp ang lúa, sét khoai. Tôi mừng lắm cứ vào ra ngắm mãi ngôi nhà.

Sau năm 1954, chính quyền quốc gia hủy bỏ quyết định phân đất của Việt Minh, nhà tôi phải đóng tiền thuê đất. Mẹ tôi đau ốm, cuộc sống gia đình năm sáu miệng ăn đều cậy vào xoay xở của cha. Không hiểu cha ngủ lúc nào, nửa đêm đã ngược sông Tam Kỳ lên tận Đá Giăng, Thác Cả làm được ghe cát sạn, đến chiều mịt mới xuôi về chợ Vạn, cất hết ghe sạn lên bờ cũng đến nửa đêm. Và rồi, lại tiếp tục theo ghe đi chuyến mới. Có đêm, dừng ghe ngoài bến Miễu, cha chạy về thăm anh em tôi một chút rồi lại ra đi trong đêm khuya. Cha cầm đèn dầu tù mù rọi xem và khẽ hôn lên từng đứa đang ngủ bình yên. Tôi giật mình tỉnh dậy thì cha đã ra đến ngõ, chỉ nghe vọng lời cha dặn mẹ: chăm mấy con cẩn thận, coi chừng củi lửa. Nhà tranh dễ cháy lắm. Đêm về lúi húi lại nghe tiếng mõ, tiếng la thất thanh: Huớ làng! Cháy nhà! Cứu! cứu! Đầu trên, xóm dưới kẻ gàu người gậy, băng rào chạy đến với người đồng cảnh.

Những năm 1965 trở về sau, chiến tranh vào hồi ác liệt. Dân các vùng quê bỏ ruộng nhà tản cư về Tam Kỳ lánh nạn, sống nhờ viện trợ chiến tranh, hậu cần quân sự. Đời sống đô thị khá giả lên, nhất là giới quan chức thương gia giàu có. Nhưng dân ngheo thì nơm nớp lo âu với cảnh chiến tranh, đôn quân bắt lính, sống chết không biết lúc nào. Hình ảnh xe nhà binh về phố, quan tài cờ phủ, lính ngồi hai bên đã quen thuộc trong mắt mọi người. Thằng em kế tôi bị bắt vào lính trận, đêm nào súng nổ nhiều cha tôi cứ thao thức vào ra như người mất hồn. Nhiều đêm ông ngồi bất động phía góc hè, lắng nghe súng nổ phương nào. Cứ thế, nỗi gian lao trải dài suốt cả một đời cha khốn khó.

Ngày quê hương hòa bình cha tôi vẫn cuộc sống lao lực làm ăn, nhưng trên môi ông luôn nở nụ cười mãn nguyện. Mấy năm trở lại đây do tuổi cao sức yếu, cha tôi chỉ quanh quẩn trong xóm quê. Nhân dịp cha tôi được Chủ tịch nước chúc thọ, hẹn vào ngày Quốc khánh tôi đưa ông cụ dạo chơi một vòng quanh phố, lên hồ Phú Ninh về Tam Thanh, Tam Phú… Đi chỗ nào ông cũng không nhận ra. Đứng trên bờ chỉ về lòng hồ Phú Ninh, ông nói không biết suối Nước nóng (nước khoáng Phú Ninh) ở chỗ nào. Hồi trước, mỗi lần đi hái củi, gánh tranh, người ta thường dừng chân bên suối rửa ráy nghỉ ngơi. Tự dưng, ông buột miệng: Từ cha sinh mẹ đẻ đến chừ, ai nghĩ nước ở đây chảy được về vườn nhà mình. Nếu không có nước Phú Ninh, dân mình đói chết con nghe. Đừng nói gì xa xôi, những năm 1995 về trước, Tam Kỳ chỉ là thị trấn nhỏ. Người ta thường nói đùa: “Tam Kỳ là xứ sở có nhiều cái kỳ”. Trong đó có cái kỳ cục: thành phố không có ngã tư, đường sá chật hẹp, mưa lầy nắng bụi, nhà cửa thấp tè, không điện không nước, phố xá buồn tênh. Tuy chưa bằng ai nhưng thành phố đã to lên gấp nhiều lần. Cái “kỳ cục” muôn thuở đã xóa được rồi, cái kỳ diệu hơn nữa của Tam Kỳ thì ai cũng chờ mong.

Sau một ngày đi dạo, trong bữa cơm chiều con tôi hỏi: Dạo phố về nội thấy vui không? Cha tôi cười: Ông vui lắm, tấy lạ đen, có nhớ chỗ nào ra chỗ nào đâu. Ông chỉ thương bà nội con, cả một đời lam lũ, lâm bệnh nặng mất sớm, không còn sống để được thấy những điều mình ước mong. Nói đến đây giọng cha nghèn nghẹn, tôi phải đánh trống lảng để không nhìn vào mắt cha đan viền những hạt lệ sương khô.

Tác giả bài viết: TRẦN XUÂN QUANG

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây