Hình như thu đã qua đây...

Thứ ba - 12/07/2016 06:19
Trên cánh đồng này, con sông này, nó và biết bao đứa trẻ đã nuôi những ước mơ trở thành bác sỹ, kỹ sư, hay chỉ đơn giản là cô giáo dạy trường làng, những ước mơ được nuôi dưỡng từ những bó rau trai, rổ rau má hay trên cái vị cay nồng của tô cháo hến ngày xưa.
Hình như thu đã qua đây...
Chuông điện thoại reo lên, - Alo, mẹ hả, mẹ khỏe không mẹ, hồi mô nhà mình gặt rứa mẹ ? Gặt chi mà gặt con, lúa mùa ni hư hết rồi, bây có dề thì lễ ni sắp xếp chở mấy đứa nhỏ dề chơi, mẹ nói với tôi.

Trở về !

Ngày trở về, chẳng có những cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay như trong văn thơ thường hay nói, Quảng Nam cũng như những miền quê khác trên dải đất miền trung khúc khủy gập ghềnh này chỉ có thể thấy những cánh đồng nhỏ, chắp nối, ngoằng ngèo… 
Điện Bàn, chiều đã bắt đầu mang những tấm chăn mây trắng giăng khắp nơi, gió dìu dịu, lúa nhịp nhàng miên man theo gió, không vàng óng, chẳng no tròn cuối gục đầu trĩu hạt như mùa trước, cỏ cứ gợn xanh chen lẫn cái màu vàng ngai ngái, cái lất phất của những ngọn bông chấm vàng đen li ti thoảng như nỗi âu lo ngập tràn… Lâu lắm rồi mới thả đôi chân trần chạm đất ruộng, lắng nghe cái dịu mát của đất thấm dần nơi bàn chân, thò tay bức cọng cỏ, theo thói quen của hồi xưa, đưa cái phần cỏ non vào đầu lưỡi, vị chát và hăng hăng của cỏ kéo theo những cảm xúc ùa về… 
Nó nhớ về cái ngày nó còn lơ thơ mấy cọng tóc vàng hoe, cái mặt đen và nhỏ thó lẫn mất trong cái áo khoát tay dài của chị, cũng lon ton theo chị theo mẹ ra ruộng những ngày gặt, không làm được gì to lớn, chỉ việc ngồi soạn chén bát, múc thức ăn giữa buổi cho mọi người, nó đã thấy mình có ích ghê lắm.
 
 

Rồi nó nhớ về những ngày hè không đi học, bữa sáng được Nội đong cho đầy một chén khoai khô, sắn khô nấu đường hoặc vài củ khoai lang chín rồi tíu tít theo con Trung, con Hà, Con Tí đi hái rau má, rau trai, mót đậu phộng, bắt ốc. 
Ngày đó, bọn nó chẳng phải hái về để ăn đâu, mà là để đem bán cho chị Duyên hàng xóm kiếm mấy đồng lẻ gom mua vở. Nó là chúa sợ đỉa, nên khi đi bắt ốc, đám bạn thì xuống nước mò, còn nó ngồi trên bờ lấy tay khẩy khẩy đám bèo ra gặp con nào thì lội xuống lượm con đó rồi dọt lẹ lên bờ, vì rứa nên bị ốc của nó lúc nào cũng lưng xa so với đám bạn. Nhưng bù lại nó được cái hái rau rất nhanh, mót đậu cũng lanh không kém nên tụi bạn vẫn cho nó đi chung, làm chung và được chia tiền bằng với mọi người. 
Rồi có những ngày nó cùng chị ra ngoài ao cá, hai chị em bắc chước mọi người sớt cỏ, doanh được miếng đất nhỏ và đem trồng rau muống, chị làm là chính, nó chỉ đi theo để lấy tinh thần hoặc làm tên sai vặt cho chị. Có lần đến lúc thu hoạch rau, chị nó cắt và bó, còn nó thì có nhiệm vụ nhúng cho sạch rau để bán, lèo khèo thế nào mà trong lúc nhúng có một em đỉa lúc lắc bò đến và bám vào bắp chân nó, cứ thế đong đưa hút say sưa, nó nhúng rau xong rửa chân và phát hiện, nó không dám gỡ ra mà vừa chạy, vừa la, vừa khóc, vừa cà cà cái chân vào đám cỏ cây dại ven bờ, mọi người quanh nó được một phen tức cười.
 

Có đợt, nó theo mẹ và anh xuống sông bắt hến, đi hết quãng đường qua cánh đồng một đoạn là đến sông. Ngày xưa sông còn cạn, đến mùa khô, nước chỉ đến ngang hông của nó, cuối xuống là có thế lấy rỗ rá xúc cát vào, hến cũng theo cát vào rỗ, đãi hết cát đi là được hến, muốn bắt hến to hơn thì đến chổ nước sâu, lặn người xuống và mò từng con, nó không biết bơi, cứ túm lấy áo mẹ và làm nhiệm vụ giữ cái rỗ hến cho khỏi trôi, mọi người vừa bắt hến vừa phải canh chừng nó, không sợ hến trôi mà sợ nó bị trôi đi mất.
Có lẽ, với nó giây phút tuyệt vời nhất là lúc mẹ nó chế biến hến, nước luộc hến dùng nấu cháo, ruột hến đem xào chung với hành lá và ớt đỏ, xúc với bánh tráng nướng, chao ôi, nghĩ đến mà nhớ, mà thèm biết bao…
Nhớ về cái ngày bão năm xưa, cả nhà nó đứng run rẩy dưới mái ngói đong đưa theo từng con gió giật, xong bão thì cả nhà lại bì bõm dầm nước lụt đỏ ngầu, bưng chén cơm ăn mà trên là gió lộng, dưới là nước với cá, dế đang rỉa chân, xong lụt thì cũng lại trên cánh đồng này, cả nhà nó đi vớt rau và lúa…
Những ngày xưa như thế đã trôi qua trên cánh đồng lúa nhỏ, con sông hẹp, trôi qua trên một vùng quê nắng rát, mùi tanh nồng của bùn đất, ngai ngái của cỏ rau, trôi qua trong giọt mồ hôi của mẹ, trôi qua trên làn da khét nắng của cha, để đến hôm nay, nó lại về, lại chân trần mơn man trên cỏ, để lắng nghe những âm thanh của ngày xưa đang vọng.
Trên cánh đồng này, con sông này, nó và biết bao đứa trẻ đã nuôi những ước mơ trở thành bác sỹ, kỹ sư, hay chỉ đơn giản là cô giáo dạy trường làng, những ước mơ được nuôi dưỡng từ những bó rau trai, rổ rau má hay trên cái vị cay nồng của tô cháo hến ngày xưa.
 

Thời gian trôi qua, một số cũng đã đạt được những ước mơ, trong đó có nó, còn một số cũng không đi xa hơn được lũy tre làng, tụi nó cũng đã lấy chồng, lấy vợ rồi tiếp tục gắn bó với cánh đồng hẹp nơi đây, lại cũng sẽ sinh ra một tụi nhóc, nhưng không biết bây giờ tụi nhóc có còn biết đến những ‘trò chơi’ rất ý nghĩa và đượm màu quê hương như ba mẹ nó ngày xưa không ?
Miên man theo dòng suy nghĩ, bất giác nó gối đầu trên tay ngả người ra bờ cỏ, chiều đã tắt nắng, ở nơi đây không có rõ bốn mùa xuân hạ thu đông như hà nội, chỉ có mùa nắng và mùa mưa, bây giờ hình như đang thời khắc giao mùa, giọt nắng cuối ngày chắc vì thế mà hiền lành đến lạ, mây không bồng bềnh nữa, như những ước mơ chẳng còn thôi thúc, rạo rực mà trở nên lắng đọng, nhẹ nhàng, không còn là kỹ sư hay bác sỹ, chỉ ước sao trên mảnh đất Miền trung khắc nghiệt này, nắng sẽ dịu bớt đi, mưa gió cũng nhẹ nhàng hơn, hay ít ra bốn mùa sẽ rõ ràng hơn để không còn những khắc khoải trong mắt cha, lo toan trên vai mẹ. 
Cánh đồng nhỏ đã rộng lớn rất nhiều lên trong ký ức, sông quê hẹp nhưng đã chảy rất sâu trong lòng người dân nơi đây, khói đồng đâu đó lạc về, cay xè đôi mắt, mất mùa này, mùa sau sẽ cày cuốc và sẽ lại xanh tốt, những mầm xanh yêu thương, ước mơ nếu không được nuôi dưỡng bằng những món ăn tinh thần sẽ khó mà lớn và tồn tại. 
Nhắm mắt lại, hít trọn hương vị thơm nồng của đồng quê, nghe lòng se se lạnh, hình như Thu đã qua đây

---------------------------------------------------
Quý độc giả có thể gửi những câu chuyện đẹp, những kỷ niệm hay, những hình ảnh, bài viết đặc sắc về mảnh đất con người đất Quảng cho chúng tôi theo địa chỉ email: bbt@nguoiquangnam.vn hoặc liên hệ tại: http://facebook.com/nguoiquangnam.vn
Ban biên tập xin trân trọng cảm ơn tất cả những tình cảm, sự đồng hành của quý độc giả gần xa đã dành cho Chuyên trang Người Quảng Nam trong suốt thời gian qua. Sau khi tiếp nhận bài viết, hình ảnh, thông tin của quý độc giả, chúng tôi sẽ biên tập và đăng bài viết trên Chuyên trang Người Quảng Nam.   
Xin chân thành cảm ơn./
 

Tác giả bài viết: HYT

Nguồn tin: Người Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây