Kỳ lạ món quà tặng trong ngày cưới của người Cơ Tu

Thứ bảy - 07/10/2017 20:01
Đến các bản làng của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn, từ vùng cao (Cơ Tu Dal) cho đến vùng thấp (Cơ Tu Phương), nếu để ý, du khách sẽ thấy những cỗ quan tài (T’rang) thường được để ở dưới gầm nhà hoặc ở chái sau hè...
Nhà mồ độc đáo của người Cơ Tu ở thôn ALiêng, xã ATing (Đông Giang - Quảng Nam)
Nhà mồ độc đáo của người Cơ Tu ở thôn ALiêng, xã ATing (Đông Giang - Quảng Nam)

Già Làng Đinh Văn Bớt (72 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) cho hay, quan tài của dân tộc Cơ Tu được làm ra từ thân gỗ tròn có đường kính từ 0,5 m trở lên, cắt làm từng đoạn vừa đủ cho một người nằm khi đã qua đời. Thông thường thì có hai loại quan tài, một quan tài có hình tam giác cân và quan tài hình tròn.

Mỗi quan tài có nắp đậy, phần ở trên là quan tài bố (T’rang conh) và ở dưới là quan tài mẹ (T’rang căn). Quan tài có hình tròn thường không có hoa văn, chạm khắc như quan tài hình tam giác cân. Đồng bào Cơ Tu còn biếu quan tài từ người khoẻ mạnh cho người đang đau ốm, dưỡng bệnh hoặc từ người có của ăn, của để sang người nghèo khó.

Đây không phải là sự thể hiện có hàm ý mong cho người nhận quan tài sớm qua đời, mà là tình cảm cao quý để nhường cho người khác hưởng lại những gì mình cần nhất trong cuối đời.

Cách đây 10 năm, tôi đã làm một quan tài rất đẹp cho tôi phòng khi xuôi tay nhắm mắt, song khi bà mẹ vợ qua đời, tôi liền tặng quan tài này cho mẹ vợ. Trước khi nhắm mắt, bà ta (mẹ vợ) có trăn trối là muốn nằm trong cổ quan tài tròn của người Cơ Tu, không muốn nằm trong quan tài vuông (hình hộp) của người Kinh…”.

Già làng Bhr’iu Ngà (58 tuổi, trú thôn Aliêng, xã Ating, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đưa chúng tôi đi xem một cổ quan tài bình thường và nói: “Người dân Cơ Tu có truyền thống lâu đời người làm quan tài chủ yếu biếu, tặng người đã có công giúp và nuôi dưỡng mình như con rễ làm cho cha mẹ vợ, con làm cho cha mẹ mình, cô, chú, bác ruột.

Có nhiều trường hợp, trong làng có người chết nghèo khó, thì quan tài của 1 người tốt bụng trong làng sẽ mang tới cho không. Ngoài ra, quan tài được xem là món quà biếu khi trong gia đình có tổ chức đám cưới hoặc đám hỏi giữa nhà trai và nhà gái, quan tài được nhà trai biếu cho nhà gái như của hồi môn.

Đây không phải là sự thể hiện có hàm ý mong cho người nhận quan tài sớm trở về với Yàng, mà là tình cảm cao quý để nhường cho người khác hưởng lại những gì mình cần nhất trong cuối đời.

Tuy nhiên, ngoài dịp cưới không phải lúc nào cũng có thể biếu nhau bằng quan tài được, mà phải tùy trong từng hoàn cảnh cụ thể, tức khi nhà gái có tang lễ. Do đó, quan tài thường được xem là vật quý, có giá trị trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu…”.

Già làng Y Công (81 tuổi), thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) cho biết, có những cổ quan tài mà ngày trước dành cho giới “quý tộc Cơ Tu”, được chế tác rất công phu, độc đáo. Tuy đang còn ốm, nhưng khi chúng tôi đề cập đên cỗ quan tài, mắt già sáng lên và đưa chúng tôi đi xem cỗ quan tài kỳ lạ.

Đưa tay chạm cỗ quan tài, già làng Y Cụng bộc bạch: “Cỗ quan tài này do tôi tự đẽo, gọt hết 3 tháng công từ nguyên một thân cây kiền kiền xẻ đôi rồi khoét rỗng ở giữa. Chiếc quan tài này có tên là “Trang Chríh”, nghĩa là “chiếc quan tài kỳ lạ”, vì từ trước đến nay chưa có ai chạm khắc công phu trên chiếc quan tài của mình một đầu là cái đầu trâu, một đầu là cái đầu voi.

Con trâu là con thú to nhất ở dưới nhà, con voi là con thú to nhất ở trên rừng. Hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, cho sự to lớn.

Chiếc quan tài này có dáng dấp chiếc thuyền, tượng trưng chiếc thuyền chở già đi về bên kia thế giới. Dù người Cơ Tu không có tục tôn thờ con rồng (Zéc Hoo) nhưng trong một số tác phẩm điêu khắc, con rồng vẫn luôn được sử dụng như là biểu tượng của sự phò trợ, hộ mệnh. Hai con rồng hai bên chiếc quan tài sẽ phò trợ “chiếc thuyền” đưa già theo ông bà, tổ tiên…”.

Thời gian qua, già Y Công với đồ nghề đơn sơ gồm cái rựa và cái đục, già đã đẽo hàng chục tượng gỗ người Cơ Tu. Người Cơ Tu có tập quán khi tiến hành nghi thức đám ma, cái bàn dong (Cà nooi) phải có kèm theo nghi thức đâm trâu để cúng cho thần linh, người chết.

“Cà nooi” là một cái bàn nhỏ có kích cỡ 0, 25 x 0, 7, mỗi đầu có 2 cái cáng để khiên. Ở giữa có một cái ô hình vuông, thông thường khi đám ma, đối với người nam chết thì người ta đặt cái áo người chết nơi đây. Nếu người chết là nữ, người ta đặt trong ô này cái mền (xa ri). Ngoài ra, 4 góc của cái ô này là có 2 hình tượng nam:

Tượng thứ nhất có ông già với cái trống đang ngồi vừa đánh trống vừa hát lý thương tiếc người chết với những ca từ: “Ông chết đi bỏ vợ, bỏ con, bỏ nương bỏ rẫy, bỏ gùi bỏ rựa, bỏ heo bỏ trâu…”; tượng thứ hai cũng là tượng ông già ngồi hút tẩu thuốc. Có hai tượng phụ nữ, một là một người mẹ (ca noát) đang ôm con than khóc; một tượng nữ khác là hai tai bưng nước, dỗ dành người phụ nữ bồng con uống nước để bớt cơn sầu thảm.

Già làng Y Công cho biết: ”Tượng gỗ của người Cơ Tu là hiện thân những người đã chết, nên mọi người rất kiêng kỵ, không đặt trong nhà ở. Chỉ trừ những người sáng tác ra hình tượng thì có thể “chưn” ở trong nhà.

Nơi đặt tượng chỉ là nhà mồ hoặc nhà Gươl…Tượng gỗ không chỉ phản ánh những khía cạnh về xã hội, phản ánh tín niệm cổ truyền Cơ Tu về thế giới bên kia của ma người chết mà còn đặc biệt thể hiện đậm nét những đặc điểm tạo hình trang trí và nghệ thuật trang trí dân gian trên gỗ của người Cơ Tu..”.

Tiên Sa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây