Trung thu của ngày xưa...

Thứ ba - 03/10/2017 20:34
Tết trung thu trong tiềm thức ngày xưa của chúng tôi là những ngày vui tươi nhất. Sau vụ gặt, khi trong nhà đã đầy bồ lúa, cánh đồng trở nên rộng thênh thang để đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, xong mùa gặt trong nhà có sẵn mấy “ang” nếp mới mẹ bắt đầu chuẩn bị cho những mẻ bánh cho bọn con trẻ chúng tôi những thức quà ngày hội.
Trung thu của ngày xưa...

Kết quả hình ảnh cho rước đèn trung thu

Mùa trung thu gắn với những ngày đầu năm học mới, niềm vui cứ thế nhân lên trong lòng bọn trẻ chúng tôi. Vừa được áo cặp mới đến trường, vừa rộn ràng niềm vui ngày hội. Chúng tôi ngày ấy không có được đầu lân, sư đầy màu sắc như bây giờ. Ngày ấy chúng tôi tự mua giấy màu, hồ dán về dán trên các vỏ thùng mì gói để làm đầu lân. Tự tay vót tre, dán đèn ông sao mà vui đáo để. Chúng tôi háo hức chờ đợi ngày tròn trăng tháng tám để xúng xính đầu lân đi khắp xóm với tiếng trống lân háo hức cả tuổi ấu thơ.
Ba đứa trẻ chơi múa lân bằng thùng giấy

Đến cận kề ngày rằm tháng tám mẹ bảo bọn trẻ chúng tôi phụ mẹ cắt lá chuối rồi hơ trên lửa rơm cho lá chuối mềm ra để mẹ dễ gói bánh. Mẹ thì đi vo nếp, đồ đậu xanh để gói bánh. Thức quà quê ngày ấy giản đơn mà sao luôn khiến chúng tôi mong chờ khó tả. Mẹ bảo: “Trước cúng ông bà, sau cho tụi bây ăn trung thu…”. Giờ dẫu có bao nhiêu thức quà bánh thơm ngon cũng không sánh bằng những chiếc bánh mẹ gói ngày nào. Mẹ gói nào bánh ú, bánh rò, mẹ còn làm bánh dẻo bột lọc đầy tỉ mẫn kì công cho chúng tôi có được ngày trung thu ấm áp nhất.

Kết quả hình ảnh cho bánh rò

Trung thu là Tết đoàn viên, là ngày cả gia đình quây quần bên nhau ăn bánh trôi nước, trông trăng, cũng là ngày tổng kết một vụ mùa bội thu của chén cơm mới, của phuy thóc đầy những niềm vui. Đúng ngày rằm sau mâm cỗ cúng ba bày trên bàn gia tiên, mẹ dọn các thức quà bánh mẹ tự tay gói nấu cho mỗi đứa vài cái, thế là bọn trẻ chúng tôi ùa chạy ra ngõ ríu rít khoe với bọn trẻ hàng xóm xem tụi nó có gì.

Đêm trung thu chẳng đứa nào bảo nhau đều tụ tập từ rất sớm, tay cầm lồng đèn, đứa đánh trống, đứa cầm mấy cái chai nhựa gõ vào nhau cho nó kêu tùng tùng. Đứa nào to con nhất trong xóm thì được làm Ông Địa, mà ngày ấy nào có đứa nào to nên toàn lấy cái bao gối cho vào bụng cho nó giống tướng Ông Địa. Màn múa lân của chúng tôi đi khắp xóm, qua mỗi nhà thì đoàn múa cứ dài ra vì bọn trẻ cứ xuýt xoa đi theo ngắm con lân của chúng tôi. Ngày ấy múa mỗi nhà mọi người cho vài lon lúa nên tổng kết sau một đêm múa lân bao giờ cũng rất “nặng” được đôi ba chục cân lúa. Thế là thành quả cả một mùa lân đã có bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng cười tít mắt cho một mùa trông trăng tháng tám nhiều niềm vui…

Trung thu của ngày xưa bao giờ cũng hồn hậu, giản dị mà đầy những kỉ niệm ngọt ngào của những thế hệ đã đi qua những năm tháng không bao giờ quên. Thời gian không ngừng chảy trôi, ngày nay con lân đã nhiều màu sắc hơn nhỏ to đủ loại, đèn trung thu cũng đủ màu đủ cỡ nhưng có lẽ với chúng tôi - những thế hệ đã đi qua những “mùa trung thu đặc biệt” thì chẳng bao giờ quên về một miền kí ức đẹp đến nao lòng về tiếng trống lân, về thức quà bánh ngon chẳng lời nào tả nỗi của mẹ và của một vùng khoảng tâm khảm xa xăm…

Tác giả bài viết: Đỗ Duy Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây