Khám phá 7 làng nghề nổi tiếng tại Quảng Nam

Thứ sáu - 08/07/2016 02:20
Bên cạnh những địa danh, thắng cảnh du lịch nổi tiếng hút hồn biết bao du khách gần xa, Quảng Nam còn được xem là nơi của những làng nghề nổi tiếng lâu đời của mảnh đất miền Trung. Hãy cùng Chuyên trang Người Quảng Nam ghé thăm 7 địa điểm làng nghề nổi tiếng này.
Khám phá 7 làng nghề nổi tiếng tại Quảng Nam
1. Làng nghề Lồng Đèn Hội An

Nhắc đến Hội An, người ta thường hay nghĩ đến những ngôi nhà cổ, chùa Cầu, cùng con sông Hoài uốn lượn ngày đêm chảy mãi…Thế nhưng, ít ai biết được rằng, để tô điểm cho Hội An có một vẻ đẹp lung linh huyền ảo, mang một dấu ấn độc đáo của khu đô thị cổ đó chính là nghề là những chiếc Lồng đèn tại Hội An.
Tại Hội An, bên cạnh những làng nghề nổi tiếng như gốm Thanh Hà; mộc Kim Bồng thì nghề làm đèn lồng Hội An được vinh danh là làng nghề tiêu biểu Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng năm 2011.
 

Với những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt, Lồng Đèn Hội An bao gồm 9 kiểu dáng với các loại đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Ngoài ra còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc.
 

Ngày nay, Lồng đèn Hội An ngày càng trở nên gần gũi thân quen hơn với mỗi con người và được sử dụng như vật dụng trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được nét đẹp sang trọng và rực rỡ vốn có trong các gia đình Việt.
Do sự gần gũi một cách mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng mang phong cách cổ xưa nên đèn lồng Hội An ngày càng được xuất hiện như vật dụng trang trí nội thất trong các khách sạn, nhà hàng, quán café…

2. Làng nghề mộc Kim Bồng

Từ Hội An du khách mất khoảng 10 phút để có thể đến thăm Làng mộc Kim Bồng. Làng hiện đang nằm trên mảnh đất thuộc xã đảo Cẩm Kim ngày nay. Bước chân đến mảnh đất này, từ xa quý khách sẽ được nghe những âm thanh từ những chiếc máy khoan, máy đục tạo nên của những người dân nơi đây như một bản tình ca mời gọi.
 
 

Làng mộc nằm ở vùng đất Cẩm Kim hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An xưa từng là một thương cảng sầm uất của Đàng Trong, nhờ vậy các làng nghề tại đây như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng có cơ hội phát triển phồn thịnh.
 

Vốn nằm trên địa thế sông nước, thuận lợi cho việc vận chuyển bè gỗ, đóng tàu, hạ thủy, làng mộc Kim Bồng còn đưa các sản phẩm của mình theo thuyền buôn đến nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy mà cho đến bây giờ, các sản phẩm mộc như bàn ghế, tủ gỗ, tượng phật … của làng Kim Bồng vẫn được thương gia trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng.

3. Làng nghề gốm Thanh Hà

Cách phố cổ Hội An khoảng chừng 2km về phía Tây, Làng gốm Thanh Hà nằm ẩn mình ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Ít ai biết được làng gốm Thanh Hà này có từ khoảng thế kỷ 15 - 16 về trước.
 

So với các làng gốm nổi tiếng khác như Bát Tràng, Thổ Hà, nguồn nguyên liệu để làm ra những chiếc bình gốm bền, đẹp, có giá trị cao này là đất sét nâu được lấy từ dòng sông Thu Bồn trong xanh.
Với bàn tay khéo léo, sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà đã đi vào cuộc sống gia đình với đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú khác nhau.
 

Nếu một lần ghé thăm làng gốm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm đẹp mắt và được tận mắt thấy được đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân của làng nghề nơi đây.

4. Làng chiếu Bàn Thạch

Từ thị trấn Nam Phước - huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đi về hướng Đông khoảng 5 km, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay xanh tốt nằm dọc hai bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn. Đây là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Nơi đây còn lưu giữ câu ca “Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm/ Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”.
Đã trải qua bao thăng trầm nhưng Bàn Thạch vẫn còn đó những bãi cói xanh tốt dọc bên dãi đất bồi, vẫn còn đó tiếng lách cách đều đặn từ khung cửi dệt trong mỗi chiều hoàng hôn… và là điểm đến thú vị của du lịch Quảng Nam.
 

Không ồn ào, không xô bồ so với những làng nghề khác, Bàn Thạch nhà cách nhà bởi hàng rào dây leo, lá mơ, mồng tơi hay hàng chè tàu. Bên trong cái thanh bình có phần tĩnh lặng ấy là những con người ngày đêm khéo léo, chăm chỉ miệt mài bên khung cửi để tạo nên những chiếc chiếu với nét độc đáo riêng…

5. Làng Lụa Duy Trinh

Nhắc đến những làng nghề lâu đời tại Quảng Nam, người ta không thể không nhắc đến Làng Lụa Duy Trinh, một địa chỉ nổi tiếng không kém cạnh các làng nghề làm lụa khác trong cả nước. Từ xa xưa, đã có biết bao câu hát, bài thơ về xứ lụa quê hương với những ca từ tha thiết ngọt ngào. “Trồng dâu ta nuôi tằm, tằm ăn cho tằm lớn, lớn lên tằm vàng ươm bóng tơ...”. Những câu hát quen thuộc ấy đã ngấm vào huyết mạch của bao người con làng nghề nơi đây.
 
 

Ở làng Lụa Duy Trình vào những thời điểm hưng thịnh của ngành trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, diện tích trồng dâu lên đến 160ha và gần 200 hộ gia đình tham gia nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và dệt vải.
Đến thăm làng nghề, du khách sẽ được tận mắt quan sát các công đoạn và thao tác để tạo ra những dải lụa mềm mại nổi tiếng.

6. Làng Trống Lâm Yên

Đã từ lâu câu ca “Trống Lâm Yên, Chiêng Phước Kiều” đã không còn xa lạ gì với bao người con xứ Quảng. Câu ca ấy nhắc đến 2 làng nghề nổi tiếng tại vùng đất này.
 
 

Nói về Trống Lâm Yên, thời gian về làng nghề này thì không ai nhớ là nghề làm trống ở Lâm Yên có từ bao giờ, thế nhưng từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội:” Cử chinh cổ” người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên…thường nhắc đến câu ca “ Trống Lâm Yên - Chiêng Phước Kiều“. Một điều đặc biệt, đa phần các hộ làm trống ở Ấp Nam hiện nay là người họ Phan. Chỉ cần nhắc đến dòng họ này, người dân nơi đây liền liên tưởng ngay đến những người suốt ngày “khoai chiêng, gõ trống”, làm nên thứ âm thanh đặc trưng không thể lẫn so với những làng quê khác…

7. Làng nghề đúc đồng Phước Kiều

Nằm kề bên quốc lộ 1A, Làng đúc đồng Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) được xem là làng nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh Quảng Nam. Hơn 400 năm qua, bằng tinh thần yêu nghề, giữ gìn truyền thống cha ông, những thế hệ nghệ nhân của làng nghề không những giữ được nghề mà còn đưa các sản phẩm vươn ra thế giới.
 

Với các sản phẩm sản phẩm truyền thống như chiêng, chuông, thanh la, chân đèn, lư hương, đồ gia dụng... sản phẩm của làng Phước Kiều đã đi vào đời sống người dân và có mặt ở hầu hết khắp các bản làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Đến thăm làng đúc đồng Phước Kiều, du khách sẽ được mua sắm các vật dụng, đồ lưu niệm. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất đồng và được xem các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng do chính họ chế tạo ra.



 

Tác giả bài viết: Trường Giang

Nguồn tin: Người Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây