Tìm hiểu về ‘tính hay cãi’ của Quảng Nam

Thứ năm - 20/08/2015 05:47
Đất Quảng Nam được cả nước biết đến không chỉ có đặc sản mì Quảng hay rượu Hồng Đào trứ danh, mà còn nổi tiếng về tính hay cãi, đến mức được gán cho biệt danh “Quảng Nam hay cãi”.
Tìm hiểu về ‘tính hay cãi’ của Quảng Nam

Có thể nói, hầu như người Quảng Nam nào cũng hay cãi và biết cãi, từ dân thường cho đến quan chức, từ những vụ cãi nhỏ cho đến cãi lớn.

Xung quanh biệt danh “Quảng Nam hay cãi” có biết bao nhiêu là giai thoại tạo nên bản sắc hay cãi của người xứ Quảng. Trong cuộc sống đời thường, khi giao tiếp trò chuyện với ai, người Quảng Nam rất khoái… cãi, rất hay hỏi vặn vẹo, rất thích dùng lí lẽ để bắt bẻ người đối thoại.

Với tính cách hay cãi, nên khi gặp điều vô lý, gặp cảnh chướng tai gai mắt là họ cãi để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý và làm rõ sự thật. Điều đó tạo nên tính cách cương trực, thẳng thắn của người xứ Quảng.

Trong lịch sử, người Quảng Nam đã làm nên nhiều vụ cãi nổi tiếng. Đấy là năm 1908 diễn ra phong trào kháng thuế ở Trung kỳ, người dân Quảng Nam đã đứng lên “cãi lại” chính quyền thực dân Pháp và tay sai.

Năm 1922, chí sĩ Phan Châu Trinh - một người con của Quảng Nam – đã khảng khái cãi nhau với… thiên tử. Khi vua Khải Định sang Pháp, cụ Phan đã viết thư thất điều kể 7 tội của vị vua này, trong đó có 2 tội không thể dung tha là làm nhục quốc thể và phung phí của dân.

Trong giai đoạn 1930 – 1945, hai nhà báo nổi tiếng gốc Quảng Nam là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi có cuộc bút chiến, tranh luận sôi nổi trên báo chí về… Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau đó, 2 nhà báo gốc Quảng này lại bắt bẻ nhau về chuyện “Thơ mới”, được công luận cả nước chú ý. Có lẽ vì thế mà người ta nghĩ rằng, người Quảng Nam có tính hay cãi.

Với bản tính hay cãi nên rất nhiều người Quảng Nam làm nghề báo vì nghề này cần sự phản biện để bảo vệ chân lý và nhà báo xuất thân từ đất này có nhiều người giỏi. Thậm chí có người nói vui rằng : Bất cứ người Quảng Nam nào cũng có thể làm báo! Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Sài Gòn, nơi nghề báo phát triển mạnh, thì đa số nhà báo là người gốc Quảng Nam.

Vậy vì sao người Quảng Nam hay cãi? Theo nhà báo Vũ Đức Sao Biển (một nhà báo có tiếng người gốc Quảng Nam), sở dĩ người Quảng Nam hay cãi là do điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội.

Đất Quảng, nơi mùa hè gió nam từ Trường Sơn thổi xuống mang theo cái nóng nung người, mùa đông gió mùa đông bắc lạnh đến cắt da cắt thịt. Đã thế, năm nào cũng bị bão lụt tàn phá, con người Quảng Nam luôn phải đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn từ đời này qua đời khác. Đấu tranh đã trở thành thuộc tính của họ. Cãi là một hình thức thể hiện thuộc tính đó.

Từ xưa, tỉnh Quảng Nam được xem là tỉnh nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Cơ bản Quảng Nam năm nào cũng đói kém nên về đời sống kinh tế, người Quảng Nam không thể giàu sang hơn ai. Không hơn người bằng kinh tế, người Quảng Nam chỉ còn biết phát triển trí tuệ.

Dân Quảng Nam chuyên cần, học giỏi, say mê sách vở, ham hiểu biết và thích phản biện (hay cãi), một phản ứng của con người có trí tuệ. Khi người Quảng Nam cãi, họ vận dụng hết lý lẽ, câu chữ, thái độ để đạt tới mục tiêu chiến thắng!

Nhà báo Vũ Đức Sao Biển cho rằng, người Quảng Nam hay cãi là thể hiện dũng khí, tính cách cương trực, yêu chuộng lẽ phải, công bằng, bình đẳng. Ông lập luận : “Người Quảng Nam biết cãi là ở một chừng mực nào đó thể hiện được dũng khí của mình. Ít nhất trước một sự kiện, tình huống nào đó của cuộc đời, người biết cãi cũng thể hiện được một thái độ sống. 

Khi người ta lên tiếng cãi là người ta không vô cảm, không hờ hững với đời. Nếu ta đi trên đường đời mà việc gì cũng tai ngơ mắt lấp, không nghe, không thấy, không biết và không có ý kiến thì sống làm gì? Cãi là một cách chứng minh quyền bình đẳng”.

Còn tôi, môt giáo viên dạy môn Lịch sử trên xứ Quảng tin rằng, cái tính hay cãi của người Quảng Nam có nguồn gốc lịch sử. Thứ nhất, từ thời vua Lê Thánh Tông (1471) đã có cuộc di dân vào Nam và lập nên Quảng Nam – Thừa Tuyên từ đèo Hải Vân trở vào.

Thời điểm ở thế kỷ XV, những người dám bỏ quê hương xứ sở vào một vùng đất mới đầy lam sơn chướng khí để lập nghiệp phải là những người dũng cảm, can trường.

Thứ hai, đấy là vào năm 1558, nhằm tránh bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Quảng Nam và đã mang theo rất nhiều lưu dân Thanh – Nghệ – Tĩnh. Phần lớn những lưu dân theo Nguyễn Hoàng đều là người có tội với triều đình, tức là những người có gan góc, bản lĩnh dám chống lại cả triều đình.

Một bộ phận nữa là dân nghèo quyết ra đi lập nghiệp thay đổi cuộc đời, tức là những người có chí lớn. Con cháu sinh ra ở Quảng Nam mang trong mình dòng máu can trường đó nên thấy cảnh chướng tai gai mắt là họ cãi, là đứng lên đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Quảng Nam là nơi đầu tiên diễn ra phong trào đấu tranh chống sưu thuế ở Trung kỳ năm 1908 chống thực dân Pháp và tay sai. Cũng tính cách đó nên Quảng Nam là nơi đầu tiên đứng lên chống Mỹ, và được Đảng và Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng : “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Thứ ba, từ đầu thế kỷ XVIII, Hội An (Quảng Nam) trở thành thương cảng sầm uất, nhiều thuyền buôn nước ngoài đến đây giao lưu buôn bán. Họ lập ra các khu phố như khu phố người Hoa, khu phố người Nhật…

Việc sớm tiếp xúc với nền văn hóa tiên tiến bên ngoài nên tư duy trí tuệ của người Quảng Nam được mở mang. Và khi có tư duy, trí tuệ gặp điều vô lý là họ cãi để bảo vệ chân lý, và để khẳng định mình.

Vậy nên không phải ngẫu nhiên người Quảng Nam hay cãi. Tính cách đó được hun đúc từ trong lịch sử, từ dòng máu được lưu truyền qua bao thế hệ.

Tóm lại, hay cãi là một tính cách đáng yêu của người Quảng Nam, thể hiện sự cương trực, thẳng thắn, yêu chuộng lẽ phải, công bằng, bình đẳng. Bởi lẽ, nếu trên đường đời, việc gì cũng tai ngơ mắt lấp, không nghe, không thấy, không biết và có ý kiến thì sống để làm gì?

Phạm Được 
(Giáo viên trường THPT Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng)

———————————-

LTS Dân trí - Đất nước ta không rộng, nhưng trải dài theo Biển Đông tới hơn 3.000 km, tạo nên nhiều vùng sinh thái đa dạng; tính cách con người ngoài những nét chung giống nhau, cũng có những đặc điểm riêng.

“Quảng Nam hay cãi” là một tính cách nổi bật của con người ở vùng đất này mà tác giả bài viết trên đây cũng như một số tác giả khác đã tìm cách giải thích về nguồn gốc của tính cách đó.

Nếu hiểu “tính hay cãi” là “tính hay phản biện” nhằm tìm ra những căn cứ xác đáng để bảo vệ chân lý khách quan thì điều đó rất đáng hoan nghênh và nên phát huy. Chúng ta coi đó là một đức tính tốt đẹp, thể hiện thái độ sống có trách nhiệm đối với bản thân cũng như đối với xã hội.

Sống trong thời đại phát triển nhanh như ngày nay rất cần đến sự năng động sáng tạo, không được “an phận thủ thường”, luôn biết “phản biện” và khai phá những điều mới mẻ để đạt được hiệu quả ngày càng cao hơn trên mọi lĩnh vực họat động của xã hội. Đấy chính là động lực thúc đẩy sự sáng tạo và tiến bộ không ngừng của mọi người cũng như tòan xã hội.

Nguồn: Báo Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây