Lớp học 'đặc dị' dưới mái gươl

Thứ tư - 19/08/2015 22:14
Chuyện có vẻ ngược đời nhưng lại rất thường trong những mái gươl trên toàn xã Lăng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Suốt mùa hè, học trò khắp các bản làng tới đây nằm, bò đủ kiểu giữa sàn kiếm chữ.
10a FGKN jpg
10a FGKN jpg

Không bảng, không bàn ghế…

Chiều tối, hồi chuông gọi học chưa kịp cất lên thì các em đã tới ngồi sẵn trong những mái gươl xem lại bài cũ. Cô giáo Alăng Thị Mến (thôn Nal) âu yếm nhìn đám học trò, bảo: “Bây giờ thì vui và ý thức vậy đó, chứ buổi đầu đi vận động chỉ vài em chịu tới học thôi”. Lớp học ở thôn Nal hơn hai chục học trò, hầu hết học cấp 1. Đang chăm chú làm toán, A Lăng Thơm (8 tuổi) bất ngờ bị cô giáo gọi dậy đọc bảng cửu chương, Thơm không chần chừ, đọc một mạch từ cửu chương 2 cho đến khi cô giáo bảo dừng. Hơn tháng trước, thầy cô tới nhà “nịnh” hết lời nhưng Thơm nhất quyết không đi, khi gươl lên đèn thì Thơm lại lấp ló ngoài cửa, thấy các bạn học vui quá mới chịu vào.

“Điều kiện xã quá khó khăn, cũng không thể mượn bàn ghế từ các trường học vì việc quản lý cơ sở vật chất rất phức tạp nên các em phải lăn lóc kiếm chữ trong nhà gươl.

 Sách vở các em đang học cũng do các tình nguyện viên vận động từ dưới xuôi đưa lên. Những cuốn vở cũ nào còn thừa trang đều được xin về để các em trên bản sử dụng”.

 

Anh Nguyễn Bá Hiển

Phó Chủ tịch xã Lăng

Ở các thôn A Ró, Tary, Jơda…tối nào cô trò cũng quây quần bên mái gươl học bài. Lớp không có bàn ghế nên tất cả ngồi trên mấy tấm chiếu, lúc phải viết bài thì học trò nằm nhoài xuống, mắt gí vào trang vở bởi ánh đèn chạy bằng tua bin nước sáng chập chờn. Cô giáo cũng chẳng có bục giảng để đứng, suốt cả buổi tối phải cầm bút chạy quanh sửa bài cho từng trò.

Lớp vài chục em, mỗi trò phải dạy một kiểu, Zơ Râm Vũ Kang yếu toán phải rèn bảng cửu chương, A Lăng Ngát chuẩn bị vào lớp 6 cần nắm lại thật chắc kiến thức tiểu học. Hốih Trường Giang thì chữ xấu quá phải luyện mãi… Thành thử, các cô cũng chẳng bao giờ có cuốn giáo án bên mình.

Ròng rã cả mùa hè, chưa đêm nào lớp nghỉ, nhiều hôm mưa thối đất mà các em vẫn nhờ ba mẹ dẫn tới gươl. Bố của em Nguyễn Xuân Toàn (lớp 8, thôn A rớh) nói: “Thằng Toàn mơ làm thầy giáo lâu nay nhưng nhà không có điều kiện cho đi học, giờ có lớp ngay ở thôn, được cô giáo kèm cặp nên nó học chăm lắm. Cô giáo bài nào về nhà, nó làm hết bài ấy”.

Ngày làm rẫy, tối làm thầy

Những lớp học hè đặc biệt này do UBND xã Lăng phát động từ năm 2014 đến nay, kêu gọi sinh viên đại học, cao đẳng trên địa bàn về dạy hè tình nguyện giúp các em học sinh củng cố kiến thức trước thềm năm học mới. Anh Nguyễn Bá Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng, cho biết: “Khi phát động dạy hè, sinh viên đăng kí rất đông nhưng chúng tôi ưu tiên tuyển chọn các bạn nữ học ngành sư phạm để có nghiệp vụ giảng dạy hơn. Năm nay có hơn 30 nữ sinh viên đứng lớp, mỗi lớp phân chia vài giáo viên thay nhau phụ trách”.

Đây là năm thứ hai Alăng Nghiệp (21 tuổi) tham gia dạy học. Ban ngày, Nghiệp đi rẫy từ mờ sáng đến tận chiều tối, về tới nhà lật đật cơm nước, dọn dẹp rồi mới tắm rửa cho kịp giờ xuống gươl. Cơ Lâu Đhơớp (thôn A Ró) kể rằng nhiều hôm chân tay mỏi rã rời không đứng lớp nổi bởi cả ngày phải cuốc đất, nhổ cỏ quần quật, nhưng nghỉ dạy thì mấy đứa nhỏ sẽ buồn nên gắng. Đhơớp nói: “Nghe tụi nhỏ giành nhau hỏi bài, còn được gọi bằng cô giáo là mình vui hẳn lên, có động lực để dạy tiếp”. Còn Hốih Giát chỉ cần học trò làm hết bài tập, chịu khó học thì mệt mỏi hết sạch dù cả ngày phải còng lưng gùi mì cả chục cây số.

Giữa tháng 8 này, lớp học sẽ tổng kết để các bạn sinh viên vào lại giảng đường. Hốih Giát buồn, thủ thỉ: “Học trò vùng cao nhiều thiệt thòi quá. Thấy các em ngày nào cũng phải lăn lê bò trườn trên chiếu để học bài, em kêu mỏi, em kêu nhức mắt mình xót lắm nhưng cũng chẳng giúp được gì. Chỉ mong năm tới sẽ có thêm bộ bàn ghế, bóng đèn đủ sáng để việc học của các em bớt gian nan hơn”.

Nguồn tin: www.tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây