Còn nhớ bánh chập chập ngày xưa

Chủ nhật - 24/09/2017 23:58
“Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa chưa chắc ăn cơm” – câu nói ấy như hằn sâu trong ký ức tôi khi nhớ về những năm tháng ấu thơ, cái thuở đói nghèo còn quanh quẩn, khoai sắn thường được dùng thức ăn thay những bữa cơm chính.
Ngày trước, khoảng độ đầu tháng 11 âm lịch, khi những cơn mưa dầm miền Trung chưa ngớt, thì những người dân quê tôi bắt đầu vỡ đất, trồng khoai sắn. Đến đầu mùa mưa năm sau, sắn được thu hoạch, trải khắp hiên nhà, từ đầu xóm đến cuối xóm. Rồi những nồi sắn mới được luộc thơm lựng trong gian bếp nhỏ và những tiếng í ới gọi mời nhau thưởng thức món ăn rôm rả khắp con đường làng quê.
banh-chap-chap
Bánh chập chập chấm mắm cái xứ Quảng.

Dưới ánh đèn vàng, bên nồi sắn nóng, họ kể cho nhau nghe những chuyện to chuyện nhỏ, rồi ngồi phụ nhau gọt vỏ, xắt lát những củ sắn còn lại để sáng mai kịp phơi khô, dự trữ lương thực cho những ngày thiếu thốn giáp hạt. Sau vài nắng, sắn khô giòn, phần nhiều sắn khô được dùng để hấp trong nồi cơm, khi mà gạo trong nhà đã vơi đi hẳn. Số còn lại, được các bà các mẹ mang đi xay nhuyễn, khéo léo chế biến thành rất nhiều món như bánh, xôi hay chè ăn cho đỡ ớn. Bánh chập chập là món bánh được nấu khá đơn giản nên thường được làm nhiều hơn cả. Có lẽ, vì thế mà nó trở nên quen thuộc và để lại ấn tượng khó phai trong lòng lũ trẻ chúng tôi, khi mà những thức ăn đơn giản ấy, trở thành món quà ngon lành thuở nghèo khó, cơ cực.

Chỉ cần lấy ít bột sắn đã xay nhuyễn trước đó nhào với lượng nước vừa đủ, sao cho bột vừa đủ độ kết dính, không bị khô cũng không quá nhão. Sau đó, lấy ít bột viên tròn trong lòng bàn tay rồi ép mạnh hay đập hai tay lại với nhau để tạo thành cái bánh mỏng, nhỏ chừng cái bánh quy như hiện nay (tên “chập chập” của bánh cũng cũng xuất phát từ động tác này mà ra). Nấu nước sôi rồi cho bánh vào luộc, đến khi bánh nổi lên mặt nước là vừa chín. Vớt bánh ra, phi thơm dầu phụng với nén củ, cho bánh vào đảo đều tay cho khỏi dính lại với nhau. Có thể nêm muối, gia vị cho vừa ăn hoặc để nguyên, chấm với mắm cái trứ danh xứ Quảng tùy theo khẩu vị của từng nhà.

Miếng bánh nhỏ, đơn giản nhưng ngon và có sức quyến rũ đến kỳ lạ. Đĩa bánh nóng hổi, thơm lựng mùi dầu phụng, dẻo dẻo, dai dai. Khi cắn vào, vị ngọt thơm, bùi bùi của bột sắn tan ngay đầu lưỡi, khiến cho những ai từng thưởng thức sẽ cảm thấy vô cùng thú vị, muốn ăn hoài không thôi. Để rồi, ngày nay, khi mà những thứ quà vặt xanh đỏ trải khắp bàn ăn, thì người ta vẫn luyến tiếc và khao khát lắm món bánh gắn bó một thời chưa xa…

Nguồn tin: Báo Quảng Nam:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây