3 thầy trò xuất sắc giành giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam

Thứ hai - 15/08/2016 01:53
Bằng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng điện, 3 thầy trò trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã xuất sắc giành giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam. Sản phẩm này hứa hẹn trong tương lai sẽ được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
3 thầy trò xuất sắc giành giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam

“Bộ ba” gặt hái thành tích trên về cho ngôi trường chuyên bậc nhất của tỉnh Quảng Nam là thầy Phan Công Thành (giáo viên tổ Vật lí) và 2 học trò Trần Tùng Dương, Trương Duy Nhất (lớp 12 chuyên Tin).

Giải thưởng của sự bền bỉ, sáng tạo

Mặc dù đã cách thời điểm đứng trên bục nhận giải thưởng, thế nhưng nụ cười mãn nguyện và niềm tự hào về “đứa con” được dày công thai nghén, vun vén của 3 thầy trò vẫn còn hiện hữu.

Cuối tháng 12/2015, khi sản phẩm mang tên “Xây dựng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng electron từ vật liệu dễ tìm” giành giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8, thầy Thành và 2 cậu học trò đã nhận được không ít lời chúc tụng, ngợi ca của thầy cô cùng học sinh nơi đây. Nhưng để gặt hái quả ngọt ấy, 3 thầy trò đã trăn trở ngày đêm với vô vàn khó khăn, thử thách, nếm trải đủ mùi thất bại mới chạm đến ngưỡng cửa của thành công.

Nhắc về quá trình sáng tạo nên sản phẩm đoạt giải cao, thầy Thành chia sẻ: “Từng mày mò, nghiên cứu vô số thí nghiệm trong bộ môn vật lí, thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực hiện thí nghiệm mô phỏng tác động của lực Lorenxơ lên hạt mang điện. Chính việc truyền đạt cho học sinh kiến thức chương này bằng lí thuyết chay là động lực thôi thúc tôi sáng tạo thí nghiệm mà chưa một trường phổ thông nào ở nước mình thực hiện. Vậy là đầu năm học 2014-2015, tôi cùng 2 học trò chuyên tin nhưng mê mẩn với thí nghiệm khoa học đã xúc tiến ý tưởng này”.

Dot pha trong thi nghiem tu truong cua bo ba sang tao - Anh 1

Thầy Thành và 2 học trò đoạt giải với thí nghiệm tác động của từ trường lên các hạt mang điện - Ảnh: TAM LIÊN

Ngay lập tức, thầy Thành và 2 “cộng sự” nhanh chóng bắt tay thu thập nguyên vật liệu mà cả ba hình dung sẽ sử dụng để “dệt” nên thí nghiệm khoa học được thai nghén từ rất lâu. Sau đúng một năm trời nghiên cứu và có trong tay đầy đủ linh kiện để hy vọng biến mong ước thành sự thật, khi tập trung vào khâu lắp ráp thì “bộ ba” thầy trò đau đầu với không ít khó khăn.

“Cuối tháng 7 năm ngoái là phải nộp mô hình nhưng giữa tháng 7 cả nhóm vẫn loay hoay tìm cách bổ sung thiếu sót, nhất là tạo một ống chân không vì để có được ống này phải bỏ ra số tiền cực lớn. Ngoài ra, việc chọn nguồn cao áp phù hợp cũng gặp không ít trở ngại bởi lựa chọn ban đầu là mạch cao áp trong máy tính đã thất bại”, bạn Trần Tùng Dương cho biết.

Trong cái khó lại ló cái khôn, một hôm lân la ở phòng thí nghiệm hóa học, thầy Thành bất giác thấy kim tiêm trên kệ chứa dụng cụ và chính hình ảnh ấy đã giúp thầy nảy ra sáng kiến là dùng xilanh 20cc để làm ống chân không. Còn mạch cao áp không lâu sau đó cũng được “chọn mặt gửi vàng” bởi nguồn cao áp từ đèn hình tivi có thể tạm thời đảm đương.

Cận kề ngày đăng kí, “đứa con” ghi nhận sự nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của thầy và trò mới “ra lò” rồi gửi lên ban tổ chức. Hết thảy vỡ òa trong niềm vui khi tên sản phẩm thí nghiệm của mình được xướng lên ở hạng mục cao nhất tại hội thi do Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Hoàn thiện và ứng dụng vào thực tiễn

Thầy Thành chia sẻ, mặc dù thí nghiệm đã đoạt giải cao ngoài mong đợi, thế nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như hệ thống chỉ cho phép vận hành vài phút và phải tắt điện chờ nguội nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng rò rỉ khí từ bên ngoài vào trong ống chân không.

Hiện “bộ ba” sáng tạo của trường đang tiếp tục cải thiện những nhược điểm này. Và ưu điểm lớn nhất, dễ nhận thấy ở bộ thí nghiệm này là vật liệu giá thành rẻ, dễ thực hiện và học sinh quan sát bằng mắt thường vẫn thấy rất rõ sự chuyển động của các hạt mang điện dưới tác dụng của từ trường trong môi trường chân không.

Dot pha trong thi nghiem tu truong cua bo ba sang tao - Anh 2

Để hoàn thiện sản phẩm, ba thầy trò đã gặp không ít khó khăn

Trở về sau thành tích ấn tượng gặt hái tại hội thi sáng tạo, ba thầy trò đề xuất đưa thí nghiệm này vào chương trình thực hành ngoài giờ lên lớp cho học sinh toàn trường và ngay lập tức nhận được cái gật đầu đồng ý của ban giám hiệu. Hiện học sinh khối 11 hay thậm chí học sinh khối 12 chưa được tiếp cận thí nghiệm đã được tận tay thực hiện và vô cùng thú vị với kiến thức bấy lâu chỉ cảm thụ thông qua lí thuyết khô cứng.

Chia sẻ về điều này, thầy Thành hồ hởi: “Đông đảo học trò trong trường đã bày tỏ sự hứng thú với thí nghiệm còn mới toanh này. Quả thật công sức mà chúng tôi bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Tôi hy vọng thí nghiệm này sẽ nhanh chóng được ứng dụng phổ biến ở các trường phổ thông khác trên địa bàn tỉnh và rộng hơn là toàn quốc”.

Nhận xét mô hình giành giải nhất hội thi năm vừa qua, ông Phạm Ngọc Sinh (phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Quảng Nam kiêm phó giám đốc sở Khoa học – Công nghệ tỉnh) cho hay: “Mô hình thí nghiệm của thầy trò trường Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng đạt giải thưởng cao nhất bởi tính sáng tạo hoàn toàn mới và ý nghĩa thực tiễn cao. Năm nay, tôi dự định làm việc với các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực khoa học, giáo dục để bàn bạc và lên kế hoạch đưa thí nghiệm này nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Nam”.

Tam Liên

Nguồn tin: Báo Khám Phá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây