Thợ sửa khóa 20 năm đưa người qua đường an toàn

Chủ nhật - 13/09/2015 22:11
Nghề sửa khóa vốn cũng chẳng khá khẩm gì, song anh Lê Văn Thịnh (Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn dành phần lớn thời gian mưu sinh mỗi ngày để đưa dắt học sinh, người già qua ngã ba QL1 Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) an toàn.
Thợ sửa khóa 20 năm đưa người qua đường an toàn

“Nghề" tay trái

11h trưa, khu ngã ba Nam Phước đoạn đường từ UBND huyện Duy Xuyên ra QL1 đông nghịt. Vừa thấy 4-5 học sinh trường tiểu học số 3 Nam Phước lớ ngớ đứng trên vỉa hè, anh Thịnh vội để ổ khóa đang sửa, đội mũ phớt, tay cầm gậy, băng qua đường đưa tốp học sinh sang đường an toàn. Chưa kịp về lại bàn sửa khóa, lại nghe giọng cháu Nguyễn Thị Thu Trang (lớp 5 trường tiểu học số 3 Nam Phước) gọi với: “chú Thịnh giúp con với, nhiều xe quá!”. 5 năm đến trường là chừng ấy thời gian, bé Trang cùng các bạn học sinh được chú Thịnh miệt mài đưa dắt qua bên đường. “Ba mẹ con đi làm, từ lớp một tới chừ, chú Thịnh dẫn con đi về qua đường miết. Đi với chú Thịnh không sợ chi cả!”, Trang nói.

Mồ hôi nhễ nhãi trên lưng dưới cái nắng như đổ lửa, vừa ngồi vào bàn sửa nốt chiếc chìa khóa cho khách, anh lại bỏ lửng vì thấy cụ già chùn chân không dám qua đường trước dòng phương tiện đông đúc. “Dễ mấy ai bỏ việc của mình để làm cái việc không công như anh”, chị Hoa (một khách đến sửa khóa) nói. 

Cao điểm ngày làm việc của anh không phải lúc đông khách sửa khóa mà khi học sinh tan trường, lúc có người nhờ dẫn đường... “Lượng xe qua lại lớn, đường tốt lên họ chạy nhanh lắm. Nhiều em phải băng qua quốc lộ để về nhà, không có người giúp quan sát đường là có chuyện. Hồi đầu mới làm việc này, nhiều người bảo tôi “khùng” nhưng làm miết thành quen”, anh Thịnh bộc bạch.

 

Nỗi niềm "Hiệp sĩ giao thông" 

20 tuổi, anh Thịnh sắm chiếc tủ gỗ nhỏ “mở tiệm” sửa chữa khóa và gắn bó với cái ngã ba Nam Phước cho đến nay. Sửa khóa vài ngày anh chứng kiến vụ va chạm TNGT thương tâm của người sang đường. Từ đó, anh dặn lòng “làm một việc nhỏ có ích” - cảnh báo, đưa dắt người dân qua lại, đặc biệt là các em nhỏ và người già. Cứ thế, hơn 40 tuổi, ngót nghét hơn nửa thời gian anh làm việc “không lương”.

Năm 2014, anh Thịnh được chương trình Total trao tặng danh hiệu hiệp sĩ giao thông. Anh Thịnh cũng được UBND huyện Duy Xuyên và UBND Thị trấn Nam Phước, ban ATGT tỉnh tặng bằng khen trong phong trào ATGT tại địa phương.

Vui nhất với anh là khi nhìn tụi nhỏ qua đường gọi bằng hai tiếng “chú Thịnh” trìu mến. Nhiều bạn trẻ vốn được anh dẫn sang đường an toàn từ nhỏ, những lần về quê đều ghé qua ngã ba chỉ để thăm chào “chú Thịnh”. Anh Thịnh tâm niệm cuộc đời như con đường tấp nập biết bao nhiêu chuyện vui buồn. Vui có nhưng không ít chuyện buồn từ “nghiệp đưa đường” khiến anh ám ảnh. Cách đây khoảng ba năm, một bà cụ đưa cháu lớp 1 sang đường bằng xe đạp. Lo ngại chuyện chẳng lành, anh Thịnh đề nghị đưa hai bà cháu qua đường nhưng cụ không chịu. Bà cụ vừa đưa cháu sang giữa đường đúng lúc một chiếc xe đầu kéo lao tới, cháu bé hoảng loạn rơi khỏi yên xe và bị cuốn vào gầm xe đầu kéo tử vong tại chỗ. “Mình đã cố gắng nhưng tiếc là không được bà cụ đồng ý. Không phải lỗi bản thân, nhưng đến giờ tôi vẫn thấy áy náy lắm”, anh Thịnh bộc bạch.

Năm 2006, anh Thịnh đề xuất với Công an thị trấn Nam Phước cấp hai tấm bảng “Chú ý! Nhường đường cho trẻ và người già” và sắm thêm còi báo hiệu. Nhưng không ít lần một số tài xế xe tải bức xúc xuống đường đôi co. Phải nhờ sự “hỗ trợ” của người dân, anh mới “thoát nạn”. Buồn hơn, một số khách hàng không đủ “kiên nhẫn” chờ anh đưa người qua đường để tiếp tục sửa khóa đã bỏ đi chỗ khác. Khách hàng cứ thế vơi dần...

Chị Lưu Thị Dung, vợ anh chia sẻ: mới đầu gia đình có nói nhưng thấy anh tâm huyết nên lại động viên. Chỉ sợ trời nắng gắt hay mưa dầm cứ “phơi mình” giữa đường như thế dễ ốm đau. “Tiền ổng đi làm chắc chỉ đủ... thay dép”, chị Dung cười nói.

Ông Lê Trung Tài, Phó trưởng Công an thị trấn Nam Phước cho biết: “Việc làm của anh Thịnh vô cùng thiết thực, đóng góp không nhỏ cho tình hình ATGT ở địa phương. Nhiều phụ huynh bây giờ không cần đi đón con lúc tan trường, tất cả đều tin tưởng để anh Thịnh dẫn bọn trẻ về”, ông Tài nói.

“Tôi đang định đề xuất lên địa phương xin làm vạch giảm tốc tại đây, chứ lượng xe lớn mà chạy nhanh thế này thì nguy hiểm lắm”, anh Thịnh trăn trở.

Nguồn tin: www.atgt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây