Nam sinh được bố cõng đi thi THPT quốc gia đạt 27,75 điểm

Thứ ba - 18/08/2015 08:33
Bị bệnh xương thủy tinh nên không tự đi lại, suốt 12 năm đến trường Tín phải dựa trên đôi vai của bố. Nam sinh quê Quảng Nam đang đứng trước ngưỡng cửa vào đại học khi đạt 27,75 điểm trong kỳ thi THPT.
Nam sinh được bố cõng đi thi THPT quốc gia đạt 27,75 điểm

Mấy ngày nay, ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Trọng Tín (19 tuổi) ở thôn Phước Mỹ (xã Tam Phước, Phú Ninh, Quảng Nam) luôn đầy ắp tiếng cười. Hàng xóm, người thân và cả những bạn học, thầy cô khi hay tin Tín đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia liên tục đến chia vui cùng gia đình. Với 27,75 điểm (Toán 8,75, Lý và Hóa đều 9,5), Tín gần như chắc suất đỗ đại học.

Gia đình có hai anh em, người anh đang theo học cao đẳng tại Đà Nẵng. Để có tiền nuôi con ăn học, ông Nguyễn Hoàng (bố của Tín) phải bươn chải đủ nghề. Vừa đi làm thợ hồ về, ông lại tất tả vào bếp nấu nước chuẩn bị mời khách đến chia vui cùng con.

Ông kể, khi 6 tháng tuổi Tín bị phát hiện mắc bệnh xương thủy tinh, gia đình vay mượn tiền chạy chữa khắp nơi nhưng không được. “Lúc nhỏ nó bị gãy chân, gãy tay suốt. Đến giờ các vết sẹo vẫn còn chằng chịt”, người đàn ông khuôn mặt khắc khổ nói.

Khi đến tuổi đi học, thấy bạn bè cắp sách tới trường, Tín cũng đòi bố mẹ mua sách vở. “Thấy con đòi đi học, không nỡ từ chối nên tôi cho nó đi với hy vọng biết cái chữ, nhưng không ngờ năm nào Tín cũng đứng đầu lớp”, bà Võ Thị Thìn, mẹ Tín kể.

Không thể tự đi lại nên mỗi buỗi sáng người bố lại phải cõng con đến tận phòng học rồi mới về đi làm. Cứ như vậy suốt 12 năm trời, ông như người bạn đồng hành cùng con trên đường tới trường.

Căn bệnh không khiến cho cậu học trò nghèo chùn bước mặc dù hàng chục lần phải tới bệnh viện để bó bột. Năm lớp 8, đôi chân bị gãy, vết thương quá nặng, Tín được một tổ chức quốc tế đưa đi chữa trị ở Hàn Quốc suốt 3 tháng nên phải nghỉ học. Chữa bệnh xong, Tín năn nỉ bố mẹ được tiếp tục đến lớp. “Thấy con ham học, lại học tốt nên bất kỳ trời mưa gió, bận rộn đến mấy thì bố nó cũng con tới trường”, bà Thìn gạt nước mắt nói.

Ngồi khép nép bên cạnh mẹ, Tín bảo vừa thi xong đã dự đoán được điểm số. Với 27,75 điểm, em dường như chắc suất vào Khoa Khoa học và Máy tính của Đại học Bách khoa TP HCM.

“Em thích học ở TP HCM vì ở đây có thang máy, em có thể ngồi xe lăn đến trường hàng ngày. Bố mẹ đã vất vả quá nhiều rồi, em không muốn vào đại học vẫn phải nhờ bố cõng tới trường”, nam sinh với cân nặng chưa đầy 30 kg nói. Tín đã tìm hiểu kỹ và biết ở ngôi trường này cũng có nhiều bạn kém may mắn như mình đang theo học.

“Em sẽ tập sống tự lập”, Tín quả quyết nói.

Bị bệnh xương thủy tinh, không tự đi lại được, 12 năm học qua Tín phải dựa vào đôi vai của bố. Ảnh: Tiến Hùng
Bị bệnh xương thủy tinh, không tự đi lại được, 12 năm học qua Tín phải dựa vào đôi vai của bố. Ảnh: Tiến Hùng.

Mặc dù không muốn con học xa nhưng bà Thìn nói hai vợ chồng ủng hộ quyết định của con. “Nó cứ nằng nặc đi học một mình nhưng chúng tôi tính sau khi cháu đỗ, ông Hoàng sẽ khăn gói theo con vào đó xin làm thuê, làm mướn để tiện chăm sóc. Mọi sinh hoạt từ nhỏ Tín đã phải dựa vào bố mẹ, giờ để nó một mình chúng tôi không yên tâm”, người mẹ nói.

Vài ngày gần đây, có một số trường dân lập ở Đà Nẵng cũng đến tận nhà để khuyên Tín nộp hồ sơ vào đó học. Họ hứa ngoài việc miễn toàn bộ học phí còn có nhiều chế độ ưu tiên khác dành cho Tín. “Họ hứa nhiều khiến em đang rất phân vân. Gần hết hạn rút hồ sơ, nếu em chọn các trường này thì bố mẹ sẽ bớt được một khoản tiền lớn”, cậu học trò tay chân co quắp sau những lần bị gãy nói.

Nói về bí quyết trong học tập, Tín cười bảo chẳng có bí quyết gì ngoài việc chăm chỉ học. “Mỗi ngày đi học về thấy bố mẹ vất vả, nằm trong nhà em chẳng phụ giúp được gì thấy rất buồn. Em chỉ biết cúi đầu vào học để sau này thành đạt có cơ hội báo đáp”, chàng trai chia sẻ.

Thầy Võ Quang Tư (trường THPT Trần Văn Dư, huyện Phú Ninh), giáo viên chủ nhiệm của Nguyễn Trọng Tín cho hay, trong kỳ thi vừa qua, Tín là học trò có điểm thi cao nhất trường. “Mặc dù hoàn cảnh đặc biệt nhưng em rất có nghị lực, luôn đứng hàng đầu lớp về thành tích học tập và rất được bạn bè quý mến. Từ trước đến nay, ngôi trường làng này chưa có học sinh nào có điểm thi đại học cao đến vậy”, thầy Tư nói.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây