Lớp học miễn phí của cô Thanh

Thứ ba - 26/09/2017 22:36
Cầm tay từng em học sinh, dạy các em nắn nót từng con chữ, cứ như thế, 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi, trú xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đã tình nguyện dìu dắt miễn phí không biết bao nhiêu thế hệ học trò vượt lên nghịch cảnh, tiến bước vào tương lai. Đa phần các em là học sinh nghèo, chậm tiến và cả những em học sinh khuyết tật…
Lớp học miễn phí của cô Thanh

Trong căn nhà cấp 4 tại xã Tiên Thọ, bên những bộ bàn ghế đã cũ, các em học sinh vẫn miệt mài nắn nót từng con chữ  theo sự hướng dẫn của cô giáo Thanh.

Tranh thủ giờ giải lao, tôi trò chuyện với cô Thanh mới hay, cô đã từng có 4 năm gắn bó với các em học sinh huyện vùng cao Nam Trà My, rồi mới chuyển về dạy học tại Trường PTCS Trần Ngọc Sương (nay là Trường Tiểu học Tiên Thọ) quê nhà.

Tại đây, chứng kiến nhiều em học sinh khuyết tật, đa phần do ảnh hưởng chất độc da cam trong chiến tranh, đến trường chật vật với từng con chữ, bài toán; điều đó làm cô không nguôi lo lắng về tương lai của thế hệ mai sau.

Lop hoc mien phi cua co Thanh - Anh 1

Lớp học dạy kèm trẻ em khuyết tật của cô Thanh.

Thế là, cô mạnh dạn đề nghị phụ huynh cho các em đến nhà mình để cô dạy kèm miễn phí. Sau khi được sự đồng tình của phụ huynh, cô lại tất tả chạy ngược, chạy xuôi lên Phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước để xin được hỗ trợ một tấm bảng đen, vài bộ bàn ghế cũ để dạy học…

Năm 1993, lớp học miễn phí của cô Thanh ra đời. Ban đầu chỉ có vài ba học sinh khuyết tật, chậm tiến được bố mẹ học sinh dẫn tới học. Dần dần lớp học của cô Thanh lên 5, 7 em rồi lại lên vài chục em.

“Nhà cô thì chật, đồ dùng dạy học không nhiều nhưng không thể cho em này học mà không cho em kia học được. Hoàn cảnh của em nào cũng hết sức khó khăn nên cô không cầm lòng được. Thế là cô nhận hết. Từ những em học sinh nghèo, học sinh chậm tiến và cả những em khuyết tật cô đều cố gắng dạy cho các em từng con chữ, giúp các em tiến bộ hơn”, cô Thanh trải lòng.

Thế là ngày qua ngày, trong căn nhà nhỏ bé của cô Thanh đón tiếp không biết bao nhiêu lứa tuổi học trò. Mỗi ngày cô đều tận tâm uốn nắn từng nét chữ, dạy cho các em cách đánh vần cho phù hợp với từng em, từng lứa tuổi.

Riêng các em học sinh khuyết tật nặng, giáo án dạy học không nằm trên trang giấy, mà nó được biên soạn ngay trong đầu cô mỗi phút, mỗi giây để có thể đưa các em vào với những nét chữ đầu tiên.

“Đối với các em khuyết tật nặng, đúng là việc dạy học không dễ dàng gì. Nhưng cô luôn cố gắng, cố gắng dỗ dành để cho các em chịu học, rồi lại cố gắng uốn nắn từng con chữ cho các em. Tập cho các em đọc, luyện các em viết. Có nhiều em đến 4 - 5 năm trời mới viết được con chữ”, cô Thanh cho biết.

Rồi cô kể, năm 1997, có một đoàn từ thiện về đề nghị xây dựng 2 lớp học cho học sinh khuyết tật nhưng phải do chính cô Thanh là người đứng lớp. Nghe thông tin, cô Thanh như được giải tỏa những khắc khoải lâu nay bởi lớp học của cô thì quá nhỏ bé, trong khi học sinh thì đông.

Thế nhưng, giảng dạy ở lớp học kiên cố này không được bao lâu thì địa phương thực hiện cơ chế tái hòa nhập cộng đồng. Sau một thời gian nhiều em khuyết tật ở địa phương lại được phụ huynh đưa đến nhà cô nhờ dạy học. Cô đành nhận mở lớp trở lại.

Và, từ đó, cứ mỗi buổi giảng dạy trên lớp, cô Thanh lại về tất bật với lớp học tại nhà trong khoảng thời gian còn lại. 25 năm nay, hết thế hệ này qua thế hệ khác, cô Thanh vẫn ngày đêm miệt mài soạn giáo án, rèn cho các em từng con chữ. Đến nay, khi đã về hưu, cô lại dành hết thời gian cho lớp học này.

Cầm tay em Phan Tấn Viên uốn nắn từng con chữ, cô Thanh cho biết, gia cảnh của em Viên rất khó khăn, ba mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền cho các con ăn học và trang trải cuộc sống hằng ngày.

Nhưng do ruộng đất ít nên gia đình em Viên vẫn mãi quẩn quanh với cái nghèo. Không có thời gian kèm con học tập lại không có tiền để cho con học thêm kiến thức, thế là họ dắt con đến nhờ cô Thanh chỉ dạy thêm.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của em Viên, cô Thanh như một người mẹ tận tâm bày vẻ từng nét chữ. Sau bao ngày tháng tận tình, đến nay sức học của em Viên đã khá hơn đáng kể. Tuy nhiên, trường hợp em Viên không phải ngoại lệ. Có những gia đình hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, như gia đình của em Nguyễn Thảo Trang (thôn 1, Tiên Thọ).

Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Không may, trong một lần đi làm, ba em bị tai nạn phải nằm viện dài ngày. Nhà không người chăm sóc, mẹ em phải “bám” ở bệnh viện lo thuốc thang cho chồng. Thấy gia cảnh em Trang quá khó khăn, cô Thanh đưa em về nhà dạy học...

Ngoài những giờ dạy học, đón đưa, cô Thanh còn bỏ tiền ra mua cả sách vở, xin đồ dùng học tập để hỗ trợ thêm cho các em. “Cô rất là yêu bọn trẻ. Nhìn chúng lớn lên, tiến bộ từng cô thấy cuộc sống này vui vẻ hơn nhiều. Chúng như con của cô vậy, lúc nào cũng gọi mẹ Thanh, mẹ Thanh. Chỉ thấy như vậy cô đã thấy ấm lòng rồi”, cô Thanh tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tiên Thọ cho biết, cô Thanh là một nhà giáo có cái tâm rất lớn. Nhờ có cô Thanh dìu dắt nhiều trẻ em khuyết tật và trẻ em hoàn cảnh khó khăn địa phương đã giúp cho các em biết được con chữ, tránh được những cám dỗ xâu xa của cuộc sống, đưa các em tự tin hơn khi bước vào đời.

Hà Vy

Nguồn tin: Báo CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây