1.200 'bom nước' chờ vỡ

Chủ nhật - 12/11/2017 19:18
Do mưa lớn, hầu hết các hồ chứa ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các hồ chứa nhỏ ở Nam Trung bộ đã đầy nước. Cả nước hiện có 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó, có 350 hồ xung yếu, là những quả 'bom nước' có thể vỡ bất cứ lúc nào.
1.200 'bom nước' chờ vỡ

1.200 'bom nuoc' cho vo - Anh 1

Thủy điện Hòa Bình xả cửa đáy vào ngày 11/10. Ảnh: Ngọc Châu.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đợt mưa, lũ sau bão 12 khiến khoảng 19 tỷ m3 đổ xuống khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, Tây Nguyên. Đã xuất hiện lũ rất lớn ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lũ ở trên sông Hương xấp xỉ trận lũ lịch sử năm 1999.

Vỡ bất cứ lúc nào

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hồ chứa thủy lợi hiện được phân làm hai loại, là hồ có van điều tiết và hồ không có van điều tiết, để tràn tự do.

Loại hồ có van, trước đợt mưa lũ vừa rồi, đã được hạ thấp mực nước để đón lũ, tránh xả lũ cấp tập, tham gia cắt đỉnh lũ, giảm lụt cho hạ du, như hồ Tả Trạch (lưu vực sông Hương, Thừa Thiên-Huế), hồ Nước Trong (lưu vực sông Trà Khúc, Quảng Ngãi)…

Tuy nhiên, hồ chứa tràn tự do, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Các hồ chứa này đa phần là nhỏ, được xây dựng cách đây 30-40 năm trong điều kiện kinh tế khó khăn, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu. Đa số hồ tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, do cấp huyện, xã quản lý với trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu. “Trong điều kiện mưa, lũ cực đoan như hiện nay, nước tràn qua đỉnh đập sẽ gây vỡ. Đây là điều rất nguy cấp”- ông Tỉnh cảnh báo.

Theo ông Tỉnh, với loại hồ tràn tự do, thời gian qua, Tổng cục đã chỉ đạo địa phương trực 24/24, sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó sự cố. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là chống tràn qua đập đất, hạ thấp mực nước trong hồ.

Ngoài ra, lên phương án sẵn sàng di dân khi nguy cơ xảy ra sự cố. Đơn cử, là việc di dời 250 hộ dân ở hồ chứa Nước Rôn (Quảng Nam) khi xảy ra sự cố.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, đợt mưa lũ do bão 12, có nơi dòng chảy đến hồ vượt quá thiết kế khiến xảy ra 5 sự cố về hồ chứa ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra 18 sự cố về hồ. Ngoài 5 sự cố nói trên, còn có các sự cố ở Thái Nguyên (1 hồ), Hòa Bình (4 hồ), Thành Hóa (3 hồ), Nghệ An (1 hồ), Hà Tĩnh (1 hồ), Phú Yên (2 hồ), Bà Rịa-Vũng Tàu (1 hồ). Hiện các hồ trên đã được xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn trước mắt.

Ông Tỉnh cũng cho biết, cả nước có 1.200 hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu, đặc biệt nghiêm trọng, có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Tiến độ “bơm” vốn quá chậm

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, với tình trạng các hồ chứa đang “quá sức chịu đựng”, nguy cơ sự cố rình rập, chỉ cần tác động dễ tổn thương nào đến hồ chứa, cũng xảy ra tình huống nguy hiểm.

Theo đó, cần xem xét hỗ trợ kinh phí để sửa chữa khẩn cấp các công trình đang bị sự cố và hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn trong các đợt mưa lũ tiếp theo và kịp thời tích nước phục vụ sản xuất năm 2018.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, trong nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới cho vay (WB8), có danh mục 450 hồ chứa của 34 địa phương cần sửa chữa, nâng cấp. “Dù đã ký kết chương trình từ tháng 8/2016 với tổng vốn là 430 triệu USD, tuy nhiên năm 2017 mới bố trí được khoảng 20 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD) cho 7 tỉnh (Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận), trong khi yêu cầu là 500 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân quá chậm”- ông Tỉnh nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho hay, hiện các hồ đã đầy nước, nên Chính phủ chỉ đạo một chương trình tổng rà soát, kiểm tra các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đánh giá tổng thể. Cùng đó, thời gian tới, ngoài việc áp dụng các giải pháp cấp bách, cần tập trung kinh phí sửa chửa, nâng cấp để đảm bảo an toàn.

Theo ông Thắng, quá trình sửa chữa hồ đập thực hiện theo Luật Đầu tư công, nên cần phải có thời gian, không thể làm được ngay. Tuy nhiên, việc trước mắt rất quan trọng là nâng cao năng lực quản lý hồ đập. “Cùng với việc nâng cao chất lượng đập, phải nâng cao năng lực ứng phó với nguy cơ của người dân vùng hạ du. Đây là ưu tiên số một. Làm sao khi gặp mưa lớn, thì người dân vùng hạ du ở vùng hồ, đập di dời. Trong đó, có giải pháp lắp đặt các thiết bị đo mưa tự động, đây là giải pháp rẻ tiền so với sửa chữa, nâng cấp đập”- ông Thắng nói.

Bộ NN&PTNT cho biết, nhu cầu kinh phí để xử lý các dự án, trong năm 2018 là 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 750 hồ còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn vốn. Theo ông Thắng, việc bố trí vốn cho các chương trình hồ đập có nhiều vấn đề cấp bách, trong khi Chính phủ đã cân đối vốn trung hạn. “Tôi đề nghị có đoàn liên ngành, do Bộ KH&ĐT làm trưởng đoàn, đến nắm bức xúc của địa phương, từ đó tham mưu cho Chính phủ để điều chỉnh”-ông Thắng nói.

Nguồn tin: Báo Tiền Phong:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây