Bão số 13 có khả năng mạnh thêm và diễn biến phức tạp

Thứ sáu - 10/11/2017 18:16
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão Haikui ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc; 117,2 độ kinh đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75km/giờ), giật cấp 10. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 110km tính từ vùng tâm bão.
Bão số 13 có khả năng mạnh thêm và diễn biến phức tạp

 

Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ vĩ bắc; 114,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 170 km tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ sau đó (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,0 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 112,5 độ kinh đông.

Ngày 10-11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 89/CĐ-TW gửi ban chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ, ngành chức năng và các cơ quan thông tấn báo chí, yêu cầu: Đối với khu vực trên biển, ven bờ: Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời các chủ tàu, thuyền biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi diễn biến của bão, kiểm đếm chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo. Đối với khu vực đất liền: Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai ứng phó với bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, hồ nhỏ đầy nước, nhất là ở những địa phương bị ảnh hưởng của đợt bão, mưa lũ vừa qua; sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Hiện nay, mực nước các sông ở tỉnh Quảng Nam đang dao động theo điều tiết của hồ thủy điện; sông ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đang xuống. Chiều 10-11, mực nước trên sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) tại Phú Ốc: 2,93m, dưới báo động (BĐ) 2 là 0,07m; sông Hương (Thừa Thiên - Huế) tại Kim Long: 1,7m, dưới BĐ2 là 0,3m; sông Vu Gia (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa: 7,75m, dưới BĐ2 là 0,25m; sông Thu Bồn (Quảng Nam) tại Câu Lâu: 2,13m, trên BĐ1 là 0,13m; sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại trạm Trà Khúc: 3,59m, trên BĐ1 là 0,09m; sông Vệ (Quảng Ngãi) tại trạm Sông Vệ: 2,73m, trên BĐ1 là 0,23m; sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa: 6,32m, trên BĐ1 là 0,32m. Mực nước các sông ở hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam dao động theo điều tiết của hồ thủy điện; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục xuống.

* Ngày 10-11, để chủ động ứng phó bão số 13, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu ban chỉ huy PCTT các cấp và các ngành, địa phương đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, chuẩn bị phương án tiêu úng đề phòng mưa lớn, gây ngập hoa màu, bảo vệ sản xuất vụ đông các khu vực trũng, thấp; kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn; chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển.

* Chiều 10-11, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 359 phương tiện với 1.323 lao động ven bờ sẽ cập bờ trong ngày và 753 phương tiện với 4.797 lao động hoạt động trên vùng biển ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa chỉ đạo các đài thông tin báo bão kêu gọi, thường xuyên thông báo vị trí, hướng di chuyển, cường độ, vùng bão số 13 gây nguy hiểm đến các chủ tàu, thuyền.

* Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù nước lũ các sông đang xuống nhưng tại các vùng thấp trũng, còn khoảng 7.935 nhà vẫn đang bị ngập từ 0,1 đến 0,3m. Toàn tỉnh đang có 354 hộ (1.186 khẩu) đang sơ tán xen ghép. Cụ thể thị xã Hương Thủy có 92 hộ (460 khẩu); huyện Quảng Điền có 150 hộ (360 khẩu); huyện Phong Điền có 112 hộ (366 khẩu).

* Ban chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất hỗ trợ: 1.200 túi lọc nước, 120 bạt nhựa, 20 thuyền cao-su, 120 radio nhỏ, 1.200 đèn pin, 120 thùng đựng nước, 120 bộ dụng cụ nấu ăn, 10 bộ đàm, 10 máy phát điện loại nhỏ, 1.000 bộ bàn ghế học sinh và nhất là 50.000 cuốn sách, vở học sinh. UBND tỉnh yêu cầu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, A Lưới xả nước về vùng hạ du để chủ động ứng phó với cơn lũ có khả năng xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão 13.

* Triều cường dâng cao kết hợp sự thay đổi dòng chảy trong thời gian qua khiến tình trạng sạt lở ven bờ sông Tiền, đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngày càng nghiêm trọng. Tuyến đê bao Cồn Giông (xã Tân Hội) có tổng chiều dài là 1.500m. Hiện, trên tuyến xuất hiện nhiều đoạn sạt lở với tổng chiều dài hơn 300m. Nếu không gia cố kịp thời, sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng hơn 140 hộ dân, hơn 25ha vườn cây ăn trái và ao nuôi cá của người dân trong khu vực

Ngày 10-11, Bộ Y tế cho biết, đã thành lập bảy đoàn công tác đến các địa phương hỗ trợ, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 12. Đã có bốn đoàn đi hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 12 tại Khánh Hòa, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… Sau khi trực tiếp kiểm tra tại nhiều cơ sở y tế bị ngập, đổ, hư hỏng cơ sở vật chất..., các đoàn công tác yêu cầu các địa phương nhanh chóng ổn định công tác khám, chữa bệnh tại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng của mưa bão; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và một số dịch bệnh mùa đông xuân; vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn nước sinh hoạt… Đồng thời, đề nghị các địa phương cần bảo đảm công tác tiêm chủng, tránh tạo nên vùng lõm. Ba đoàn công tác còn lại sẽ tiếp tục đến các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 12, kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ ngành y tế các tỉnh khắc phục hậu quả.

Cùng ngày, để chủ động triển khai công tác y tế ứng phó cơn bão số 13, Bộ Y tế có công điện khẩn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sát diễn biến của bão; chủ động phối hợp các ban, ngành liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão...

Nguồn tin: Báo Nhân dân điện tử:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây