Gần 110ha rừng phòng hộ ở Quảng Nam bị tàn phá do đâu?

Thứ ba - 19/09/2017 21:42
Nguyên nhân dẫn đến vụ phá gần 110 ha rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh được cho là do buông lỏng quản lý.
Gần 110ha rừng phòng hộ ở Quảng Nam bị tàn phá do đâu?

Liên tiếp các vụ phá rừng lên đến cả trăm héc-ta vừa xảy ra ở Tiểu khu 556, 557 thuộc khu vực rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Rừng bị tàn phá trước sự bất lực của chính quyền và ngành chức năng địa phương. Với tốc độ phá rừng như hiện nay, sớm muộn, hơn 2.600 héc-ta rừng phòng hộ ở huyện Tiên Phước sẽ bị san phẳng để trồng keo.

Gan 110ha rung phong ho o Quang Nam bi tan pha do dau? - Anh 1

Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ chắn cả lối đi.

Phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ lội bộ đường rừng mới có thể đến được khu vực rừng bị chặt phá. Ông Dương Văn Tỵ, thành viên nhóm 16 người thuộc Đội Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực này rất ít khi có ai vào, kể cả thành viên của Đội Quản lý bảo vệ rừng.

Ông Tỵ được giao quản lý 10 héc-ta rừng phòng hộ. Một tháng vài lần ông lặn lội vào kiểm tra. Theo ông Tỵ, có người nhận quản lý bảo vệ rừng nhưng không hề biết đất rừng mình quản lý ở đâu. Nghĩa là cứ đến tháng nhận tiền, rừng mất mặc kệ. Ông Tỵ nói rằng, cán bộ huyện, xã thì không bao giờ thấy mặt, vì vậy các đối tượng phá rừng mặc sức tung hoành.

Vụ phá rừng mới nhất xảy ra tại đây vừa được phát hiện do Phùng Văn Bảy cầm đầu. Đối tượng này đã thuê người dân địa phương vào rừng phòng hộ chặt cây lấy gỗ, đồng thời “gom” đất để trồng keo.

Người dân địa phương kể lại, không chỉ có người ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước làm thuê cho các đối tượng phá rừng mà có cả người dân ở huyện Bắc Trà My. Một số vụ phá rừng có sự tiếp tay của những người từng là cán bộ lãnh đạo huyện, xã.

Ông Trần Ngọc Sơn, Thôn trưởng Thôn 8, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước cho biết, trong nhiều cuộc họp thôn, người dân nêu rõ tên những người đứng đằng sau các vụ phá rừng và đề nghị xử lý, thế nhưng rừng vẫn bị tàn phá; trong khi đó cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn có cũng như không.

“Lâu lâu cán bộ lâm nghiệp cũng đi với kiểm lâm địa bàn, nhưng khi kiểm lâm đi là họ biết hết rồi. Có khi ban đêm cũng đi, nhưng đi lên rồi về không. Tôi thấy kiểm lâm đi mà bắt không được là do chỉ có điện thoại thôi. Một chủ mà có vài ba chục héc-ta đó là do có người đứng phía sau, người có quyền, có tiền, có thế lực đứng phía sau”, ông Sơn nói.

Gan 110ha rung phong ho o Quang Nam bi tan pha do dau? - Anh 2

Rừng bị phá sach để lấy gỗ và lấy đất để trồng keo.

Xã Tiên Lãnh nằm cách trung tâm huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam khoảng 30 cây số. Khu vực rừng bị tàn phá nằm giáp ranh với các huyện miền núi Bắc Trà My, Hiệp Đức, đường sá đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, so với các huyện vùng cao ở tỉnh Quảng Nam thì khu vực này chưa thể nói là núi cao vực thẳm.

Ông Hường Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước giải thích, nguyên nhân dẫn đến vụ phá gần 110 héc-ta rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh là do buông lỏng quản lý.

Hạt Kiểm lâm huyện sau khi trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương. Lãnh đạo huyện không thể chỉ đạo lực lượng này như trước kia. Mặt khác, chính quyền cấp xã gần như thả lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ông Minh cho biết thêm, từ năm 2011 đến nay, sau khi có quyết định điều chỉnh 3 loại rừng thì huyện chuyển gần 40 héc-ta rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 556 và 557 ở xã Tiên Lãnh sang rừng sản xuất, trong đó có 21 héc-ta rừng đã đưa vào khoanh nuôi, giao khoán cho hộ nhưng vẫn bị chặt phá.

Ông Minh nói: “Dân Tiên Phước chúng tôi đông so với các huyện miền núi, khoảng 80.000 dân, diện tích rừng là 45.000 héc-ta. Trong đó dành cho rừng phòng hộ gần 2.600 héc-ta. Những người cán bộ khi nghỉ hưu rồi có được ít tiền là mong muốn mua rừng nhưng rừng bây giờ sang nhượng khó nên nhờ người phá rồi sau đó bán lại”.

Gan 110ha rung phong ho o Quang Nam bi tan pha do dau? - Anh 3

Cây rừng bị đốt cháy nằm chỏng chơ.

Cây keo ngày càng có giá trị kinh tế cao. Nhiều người dân nơi đây mang cưa vào rừng chặt phá không thương tiếc rừng phòng hộ để lấy đất trồng keo. Gần 110 héc-ta rừng phòng hộ bị tàn phá, liệu chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng không hề hay biết?.

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thừa nhận: “Việc phá rừng ở Tiểu khu 556, 557, hiện Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Chi cục Kiểm lâm đã vào cuộc, cử đoàn công tác cùng với Ủy ban nhân dân huyện có mặt tại hiện trường, sẽ rà soát đánh giá hết toàn bộ diện tích đất rừng đã bị phá, xử lý nghiêm minh theo hình sự, hành chính đúng quy định của pháp luật, để răn đe, ngăn chặn tình trạng này”.

Sau hơn 1 năm Thủ tướng Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng nhưng nhiều cánh rừng ở miền Trung vẫn bị tàn phá. Tại tỉnh Quảng Nam, năm ngoái xảy ra vụ phá rừng pơmu ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, thuộc địa bàn huyện Nam Giang. Bây giờ lại tiếp tục xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Phải chăng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng???./.

Hoài Nam/VOV-Miền Trung

Nguồn tin: www.baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây