Giọng nói Đại Lộc có gì khác so với cộng đồng xứ Quảng?

Thứ ba - 10/10/2017 21:00
Trong bài viết ngắn này, người viết không dám đề cập những công trình nghiên cứu lớn nói về phương ngữ Quảng Nam mà chỉ xin được góp lời bổ sung một số nội dung có tính phổ biến thấy được, nghe được trong giao tiếp của người Đại Lộc, một miền quê trong cộng đồng xứ Quảng.
Giọng nói Đại Lộc có gì khác so với cộng đồng xứ Quảng?

Ở Đại Lộc, đất đai phần lớn là rừng núi và vùng bán sơn địa, nhiều sông suối đèo dốc nên địa hình khá hiểm trở. Tổ tiên của người Đại Lộc phần lớn là dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo chân những người mở cõi, họ về phương Nam khai phá đất đai, lập làng mới. Những người đến trước thường chiếm vùng đồng bằng ven biển bởi đất đai ở đây dễ khai phá hơn. Những người đến sau phải đi dần lên vùng bán sơn địa và miền núi.

Đa số gia phả tộc họ ở Đại Lộc đều có phát tích từ Bắc; một số ít tộc họ lại từ Gò Nổi, Vĩnh Điện, Điện Phương (Điện Bàn); Nam Phước (Duy Xuyên), kể cả Quảng Ngãi di cư lên Đại Lộc theo hành trình phát triển từ hướng biển lên hướng núi Trường Sơn.

Theo các nhà nghiên cứu, hành trình theo dọc con đường cái quan nước Việt, qua khỏi đèo Hải Vân, tiếng nói và giọng nói của người Việt đã thay đổi khá đột ngột. Và khi đã vượt qua khỏi ngọn đèo này, cách phát âm hầu như không còn mềm mại, khoảng cách giữa các âm thanh dãn ra về cách phân biệt giữa thanh này với thanh kia. Việc phát âm vì thế mà mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn so với giọng nói ở phía bắc đèo Hải Vân (có câu: “Quảng Nam ăn cục nói hòn”).

Một điều cho thấy nữa là vốn từ vựng mà người Quảng sử dụng như: mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chừ, ni, nớ, hè, chi… hoàn toàn giống cách nói của người Thừa Thiên Huế. Đồng thời với việc sử dụng các từ vựng này. Người ở đây cũng nói: mày, tao, ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ảnh (anh ấy), chỉ (chị ấy), thế nào, ra sao, đằng kia, làm gì, vậy… như giọng nói từ Quảng Ngãi trở vô Nam.

Có nghĩa là cùng một nơi, nhưng có người nói “mi đi mô rứa?”, nhưng cũng có thể hỏi “Mày đi đâu vậy?” đều được cả; nhưng không bao giờ nói: trển (trên ấy), trỏng (trong ấy), bển (bên ấy) như phương ngữ Nam. Đây cũng là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu trên lĩnh vực phương ngữ cần tiếp tục giải mã.

Về vị trí địa lý, là vùng đất nằm phía bắc Quảng Nam, chính giữa khoảng cách hai miền của đất nước. Vấn đề giao lưu văn hóa con người, vùng đất được cân bằng cho hai phía, vào Nam hay ra Bắc.

Có một điều đặc biệt nếu ta để ý: Khi một người Quảng đi đến một địa phương khác, họ có thể nói giọng của địa phương đó như người bản xứ, nhưng người ở địa phương khác tới xứ Quảng không thể nói một cách chính xác giọng Quảng Nam. Có thể nói, việc phát âm của người Quảng hơi thô, người địa phương khác lần đầu nghe giọng Quảng bao giờ cũng hỏi lại cặn kẽ mới hiểu được.

Đối với người Đại Lộc, nền tảng sử dụng các từ trong phương ngữ cũng chẳng khác gì mấy so với mặt bằng chung Quảng Nam. Tuy vậy vẫn có một số nơi, tuy chỉ cách nhau một khúc sông, một ngọn đèo mà âm sắc của giọng nói cũng thấy khác so với nhiều nơi trong địa phương.

Làng quê Đại Lộc. Ảnh: Hứa Thạnh

Vùng A Đại Lộc có các xã Đại Sơn, Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng… địa bàn dân cư nằm dọc hai bên bờ sông Vu Gia, cách Đại Đồng và các xã vùng dưới chỉ qua động Hà Sống, nhưng người phía trên con động phát âm các từ có vần “on” thành vần “an” (con gái thành can gái, tròn thành tràn, ngon thành ngan…); thỏa thành thả (thỏa mãn – thả mãn); sâu thành su (nước sâu hoáy – nước su hoáy)… Hay như một số từ sau đây:

Lợt nhớt: Quá nhạt

Dị òm: Mắc cỡ

Ưng: Thương

Xí nữa: Chút nữa

Y nguy: Y nguyên

Rượng: Ngứa nghề

Mọc ngược: Mất nết

Sít rịt: Khít với nhau không hở ra

Trịt lít: Thấp. Cái mũi trịt lít

 Ngẳng:Chỉ sự nghịch ngợm

Kỉnh: Biếu

Làm phách: Lên mặt

Giú: Giấu

Cũi: Tủ bếp

Lủm: Chỉ hành động bốc vật gì đó bỏ vào miệng

Kiết: Keo kiệt

Loóng coóng: Láng mướt. Quần áo loóng coóng

Ướt nhẹp: Ướt đẫm

Giúng: Giống

Mướt rượt: Rất mượt mà

Trơn lu bạch tuột: Rất trơn

Phỉnh: Dụ dỗ, gạ gẫm

Mắc tịt: Đang nửa chừng việc chi đó phải dừng lại. Xấu hổ

To bành chát, bành tổ sư: To quá sức tưởng tượng. Quá khổ

Mái, ảng: Lu, chum, ghè đựng nước. Nhắc đến từ “mái” có chuyện vui: Anh chồng say rượu về nhà bị vợ chửi. Tức quá anh ta cầm búa chạy xuống nhà bếp định đạp mái.

Thấy vậy, bà vợ hoảng hốt la làng: “Huớ làng, thằng chồng tui say rượu về nhà chửi bới vợ con, chừ hắn còn định đạp mái nữa đây. Huớ làng! Bà hàng xóm nghe vậy cười toe toét nói với bà vợ: “Hắn đạp mái thì mi sướng chớ mắc chi la làng hè? Vô duyên chưa!

Ngụy, mị: Cùng đồng nghĩa diễn tả sự lạ lẫm, không bình thường. Có câu chuyện vui sau đây: Vùng Đại Minh, Đại Thắng còn truyền miệng câu chuyện về tài ứng đối của Tú Quỳ, một nhà nho sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có lần ông đến chơi nhà một vị quan tỉnh đã nghỉ hưu ở làng Gia Cốc xã Đại Minh. Đứng trước sân, nhìn giàn bí đỏ đang ra trái, vị quan ra vế đối: “Ngụy, ngụy, bí ngô ra trái, ngụy? ( Lạ, lạ, bí đỏ ra trái, lạ?). Ẩn ý của câu đối, câu chữ vế đối vị quan muốn liệt kê một số tên nước thời liệt quốc phân tranh bên Tàu (Ngụy, Ngô). Tú Quỳ nghe xong câu đối, đang suy nghĩ tìm cách trả lời thì bất ngờ thấy bà vợ ba của quan tỉnh xuất hiện ở cửa buồng, ông đọc ngay câu trả lời: “Tề, tề, Lỗ, Hán mọc lông, Tề!”. Quan tỉnh nghe qua biết Quỳ chơi xỏ nhưng cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì câu đối quá hay!

Đây chỉ là một số từ ngữ nằm trong phương ngữ Đại Lộc, xin nêu lên chỉ như giọt nước nhỏ được hòa vào dòng chảy mênh mang của con sông lớn; để biết đâu mai kia, trên một nẻo xa xôi nào đó, bất chợt một ai nghe qua, cũng có thể nhận ra bóng dáng quê nhà.

Nguồn tin: Báo Quảng Nam:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây