Lần đầu ghi được ảnh đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm ở Quảng Nam

Thứ năm - 28/09/2017 00:31
Với số lượng còn khoảng 20 đến 30 con, sống trong khu rừng nghèo, đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đang đứng trước nhiều nguy cơ tuyệt chủng bởi sinh cảnh sống ngày càng bị thu hẹp.

Vừa qua, nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín tại Đà Nẵng đã chia sẻ những hình ảnh mới nhất về đàn voọc chà vá chân xám ở Núi Thành, Quảng Nam. Đây được xem là những bức ảnh cận cảnh, rõ nét về loài linh trưởng quý hiếm còn sót lại ở khu vực này.

 
 Những con voọc chân xám quý hiếm đang bị mất dần sinh cảnh sống tại Núi Thành, Quảng Nam. Ảnh: Lê Phước Chín

Anh Chín chia sẻ, để có được những hình ảnh này, đoàn mất một ngày di chuyển từ ô tô, xe máy, đi bộ mới đến được điểm ghi hình.
 

“Do rừng nguyên sinh bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 10ha ở khu vực rất xa là nơi voọc sinh sống, còn lại bao phủ xung quanh là rừng keo, thậm chí nơi chúng tôi đứng lá rẫy của người dân nên sinh cảnh sống của loài đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tại đây, nhiều năm qua, việc săn bắn voọc vẫn diễn ra”, anh Chín cho hay.

 
 Voọc chân xám tại Quảng Nam. Ảnh: Lê Phước Chín

Được biết tháng 8.2017, Sở NN-PT NT Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa báo cáo lên UBND tỉnh về việc bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) để đề nghị tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh rừng (khoảng 80 ha) kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà, huyện Núi Thành để tạo sinh cảnh cho đàn vọoc chà vá chân xám sinh sống tại nơi đang phân bố.

Theo Sở NN-PT NT Quảng Nam, đàn voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã được phát hiện và được Chi cục Kiểm lâm theo dõi từ những năm 2000.

Là nhiếp ảnh gia chuyên săn ảnh các loài linh trưởng, anh Chín đã ngược xuôi ra Quảng Bình, Hà Tĩnh để chụp voọc chân nâu, voọc đen. Đặc biệt, loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được anh dành rất nhiều thời gian.

 
 Anh Chín cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại Quảng Nam. Ảnh: LPC

“Qua nhiều chuyến đi, chỉ có ở Sơn Trà chúng ta mới có thể nhìn được loài linh trưởng voọc chà vá chân nâu một cách dễ dàng như hiện nay. Hơn nữa, với tập tính từ nết ăn, ngủ, cách giao tiếp của loài cũng rất gần gũi với con người. Vì vậy, nếu chúng ta không nhận thức được sự quý giá đó của thiên nhiên thì voọc trong tương lai chỉ còn lại ở những bức ảnh”, anh Chín chia sẻ.

 
 Loài voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà, nơi người dân và du khách dễ dàng nhìn thấy mọi hoạt động của nữ hoàng linh trưởng. Ảnh: LPC

Nguồn tin: Báo Lao Động:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây