Người dân, học sinh "đánh đu với tử thần" trên chiếc đò tạm

Thứ tư - 29/06/2016 23:27
Đã có chủ trương xây dựng từ năm 2001 nhưng đến nay, dự án cây cầu bắc qua sông Thu Bồn phục vụ cho người dân vùng ốc đảo xã Hiệp Hòa của huyện miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vẫn chỉ trên giấy tờ. Hàng ngày, người dân nơi đây phải đánh đu với tử thần cùng chiếc đò tạm để lưu thông vào đất liền.
Người dân, học sinh "đánh đu với tử thần" trên chiếc đò tạm

Có mặt tại bến đò Trà Linh trên sông Thu Bồn, PV chứng kiến cảnh hàng trăm người dân xã Hiệp Hòa và du khách thập phương cùng các phương tiện xe máy, xe đạp phải qua sông trên dòng nước chảy xiết với chiếc đò tạm.

 

Người dân, học sinh

Hàng ngày có hàng trăm lượt người qua lại trên con đò tạm bợ nên rất nguy hiểm.

Bến đò Trà Linh nằm trên tuyến độc đạo, nơi đi lại của người dân hai thôn là Đồng Làng và Trà Linh (vùng ốc đảo) của xã Hiệp Hòa. Được biết, tại nơi đây vào năm 1996 đã xảy ra 1 vụ chìm tàu thương tâm khiến 10 người tử vong.

Người dân, học sinh

Con đò là “huyết mạch” đi lại của hai thôn với bên ngoài, cách trở bởi con sông Thu Bồn.

Bà Lương Thị Kim (51 tuổi, trú thôn Trà Linh, xã Hiệp Hòa) cho biết: “Mấy chục năm nay hàng trăm hộ dân chúng tôi đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Người dân nơi đây lại đa số làm nông nghiệp và trồng cao su nên mỗi lần thu hoạch mùa xong muốn đưa nông sản ra bên ngoài tiêu thụ cũng rất trắc trở. Con đường duy nhất dẫn chúng tôi ra ngoài là bằng đò, mà con đò này cũng đã hoạt động nhiều năm nên cũng không được an toàn nữa”.

Với các em học sinh, do trường xa lại phải đi đò nên hàng ngày các em phải dậy từ rất sớm đi học cho kịp giờ. Trong khi học sinh lại quá đông mà chỉ có một chiếc đò, trên đò không được trang bị áo phao cứu sinh rất là nguy hiểm.

Cũng theo bà Kim, vào mùa mưa dường như người dân ốc đảo này bị cô lập hoàn toàn do nước dâng cao nên không thể đi được, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm em học sinh phải nghỉ học cả tháng trời.

 

Người dân, học sinh

Dù vào mùa nắng nhưng chủ đò cũng phải thường xuyên canh chừng con nước, nếu không khi thủy triều điện xả nước bất ngờ rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

   

Ngồi trên chiếc đò tuềnh toàng, chỉ đủ vài chiếc xe máy cùng với một số người dân ngồi chen chúc trước mũi, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi chẳng thấy người chủ đò thu tiền của ai. Khi hỏi ra chúng tôi mới biết là đa số các gia đình bên kia sông đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc đóng phí đi đò bằng một năm ba thúng lúa, chỉ có khách lạ đi đò mới thu mỗi người 5.000 đồng/chuyến.

 

Người dân, học sinh
 

Người dân ở bên kia sông đi đò thường đóng phí bằng một năm ba thúng lúa.

Với nhiều năm kiếm sống bằng nghề lái đò đưa khách sang sông, ông Phạm Văn Bích (46 tuổi, trú xã Hòa Hiệp, huyện Hiệp Đức) chia sẻ: “Tôi không nhớ nổi mỗi ngày đưa mấy trăm chuyến đò qua lại hai bờ. Trước đây còn đỡ, mấy năm trở lại đây mặc dù vào mùa khô nhưng cũng phải thường xuyên canh chừng con nước, nếu không khi thủy điện xả nước bất ngờ rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Người dân ở đây ai cũng làm nông nghiệp nên đều nghèo, lo chạy ăn từng bữa chưa đủ nên chẳng thể góp tiền để xây được một cây cầu”.

“Bản thân tôi là người đưa đò nhưng cũng rất mong có cây cầu tại khu vực này để trẻ con an tâm đi học, người lớn ra ngoài đi làm cũng như việc vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn, đời sống người dân sẽ được cải thiện hơn” – Ông Bích nói.

 

Người dân, học sinh
Người đân ở đây ai cũng làm nông nên đều nghèo, lo chạy ăn từng bữa chưa đủ nên chẳng thể góp tiền để xây được một cây cầu.

Ông Lương Phước Nghĩa, Chủ tịch UBND Xã Hiệp Hòa cho biết, bao năm nay, người dân vùng ốc đảo Trà Linh và Đồng Làng phải lụy đò qua sông nên cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Mỗi lần tổ chức họp xóm, người dân đều hỏi về dự án xây cầu bắc qua con sông Thu Bồn này nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ biết bảo họ chờ đợi.

"Thực tế, vào năm 2001 tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương xây dựng 1 chiếc cầu bắc qua sông Thu Bồn nối hai bên bờ sông. Rồi tháng 12/2015 có Tổng cục đường bộ về khảo sát thực trạng ở đây nhưng rồi vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi cũng như người dân rất mong muốn có một cây cầu để thuận tiện trong việc đi lại” - Ông Nghĩa cho hay.

CƯỜNG THIỆN - NGỌC TUẤN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây