Rưng rưng vị quê

Chủ nhật - 29/08/2021 05:11
Tôi làm kẻ tha hương hơn mười năm. Trong chừng ấy thời gian, tôi như “con dế giang hồ” cứ nhớ nhung khôn nguôi về mảnh đất mà mình đã ra đi. Mà nỗi nhớ cũng be bé thôi. Như chiều nay khi Sài Gòn khắp phố phường giăng dây, đứng trong căn bếp đột nhiên lại nhớ tới cảnh má cúi xuống đẩy củi thổi lửa nấu cơm, tàn tro bay bay rồi đậu trên tóc má.
Rưng rưng vị quê

Những ngày Sài Gòn chưa dịch, giờ nghỉ trưa thỉnh thoảng tôi chạy xe từ Quận 3 sang Tân Bình để đi chợ Bà Hoa. Trưa nắng chang chang mà bất chợt thèm nghe tiếng Quảng, thèm gặp người Quảng, thèm ăn món Quảng.

Đứng bần thần giữa chợ ấy, giữa lòng Sài Gòn, có thể hít hà đủ vị quê hương. Mùi của bánh thuẫn, mùi cá thính, mùi mắm cái, mùi dưa gang muối chua, mùi bánh tráng nướng thơm lừng… Chẳng khác gì đang đứng ở chợ Trung Phước quê mình.

Tôi hay ghé tiệm của một bà già tóc đã bạc ở cuối chợ. Bà quê ở Đại Lộc, vô Sài Gòn cũng mấy chục năm nhưng vẫn giữ nguyên giọng Quảng đặc sệt. Lâu lâu tôi mới ghé, vậy mà bà vẫn nhận ra. Tôi thường nấn ná, hỏi thăm để nghe chất giọng thương nhớ ấy. Bà lấy hũ mắm cái, vừa múc mắm bỏ bịch vừa nói với tôi: “Dân Quảng mình ăn chi cũng có xí mắm cái mới ngon”.

Ở Sài Gòn có một món ăn khiến tôi không - thể - chịu - nổi là món mỳ Quảng trộn. Mỳ Quảng tráng theo kiểu công nghiệp lạnh ngắt thêm chút rau sống, miếng chả lụa, miếng thịt luộc (có khi là thịt nướng), trứng cút luộc, rắc thêm hành phi và vài hạt đậu phụng, kèm theo đó là bịch nước mắm pha ngọt. Nước mắm pha theo kiểu miền Nam, ngọt nhiều hơn mặn.

Nếu thay mỳ Quảng bằng bún tươi thì món này chẳng khác gì bún thịt nướng. Buổi sáng, nhiều đường phố bán món ấy trên những chiếc xe đẩy cho thị dân Sài Gòn ăn sáng. Nhiều người tấm tắc khen ngon.

Nếu tôi sinh ra ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ hay một mảnh đất nào khác thì đã chẳng ấm ức khi thấy người ta rưới lên mỳ Quảng thứ nước mắm ngọt ấy. Nhưng tôi là người Quảng, mỳ Quảng đã định danh trong lòng tôi từ thuở ấu thơ mất rồi.

Một tô mỳ Quảng thứ thiệt nhất định phải có nồi nước nhưn nấu bằng dầu phụng khử nén thơm lừng. Thịt gà, thịt heo, cá tràu hay bất kỳ nguyên liệu gì cũng phải ướp kỹ với nghệ, tiêu, sả… rồi um trên lửa lớn. Những cộng mỳ trắng nõn khởi sinh từ hạt gạo được trồng trên chính quê mình.

Hồi nhỏ, má tôi hay ngâm gạo xay bột tráng mỳ. Mỳ hồi ấy làm cực, tốn công nhưng không tốn tiền bởi toàn là nguyên liệu quanh nhà. Gạo lấy trong lu, ngâm, xay thành bột rồi tráng. Gà sẵn trong vườn nhà hay con cá tràu ba đi làm ruộng bắt được. Rau sống thì cứ ra sau hè chặt một đoạn chuối cây hay búp chuối xắt mỏng, thêm nhúm rau thơm. Tới bữa, chạy ra vườn vặt vài trái ớt hiểm. Ăn miếng mỳ nóng hổi, đưa trái ớt giòn rụm, cay xé lên miệng mà cắn. Mỹ vị ấy, nơi nào có thể có được ngoài quê hương?

Chiều Sài Gòn mưa, thèm nồi cá đồng kho nghệ tươi hay món bánh xèo đổ trong khuôn đất. Trưa nắng bỏng rát lại thèm ly chè đậu ván thơm gừng cho nhiều đá lạnh. Cảnh nào cũng gợi nhớ những vị quê da diết...

Tác giả bài viết: https://baoquangnam.vn/huong-sac-que-nha/rung-rung-vi-que-114303.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây