Tôi lớn lên bên chiếc nón lá bà chằm

Thứ năm - 11/08/2016 03:08
Bà tôi bỏ nghề chằm nón đã mười mấy năm, tôi lớn lên cứ tiếc mãi, nghĩ rằng giá như ngày xưa giúp bà được nhiều hơn nữa, thì chắc có lẽ cũng từng tự tay chằm ra một chiếc nón rồi. Vẫn biết ở quê tôi, cái nghề này đã dần mai một, nhưng trong tôi luôn dai dẳng niềm tin về sự trường tồn của chiếc nón lá trong văn hóa và tâm thức của mỗi người con đất Việt, bởi cái nét truyền thống của nó không đâu có thể lẫn vào được.
Tôi lớn lên bên chiếc nón lá bà chằm

Cách đây chừng mười lăm năm, ở xóm tôi bà con sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và vài đám mía để làm đường đen. Đời sống lúc bấy giờ còn khó khăn nên trong xóm hầu như phụ nữ nào cũng chọn một công việc phụ để kiếm chút thu nhập cho con cái được thêm chén cơm mỗi bữa. Trong khi người ta chọn làm rau, làm khoai chà, mít khô,... thì bà nội tôi có nghề chằm nón. Hồi ấy tôi còn rất nhỏ, chưa hiểu về nghề, cũng chưa phụ giúp được cho bà việc gì nhưng mãi khi lớn lên, trong kí ức tôi vẫn hằn sâu hình ảnh những đêm bà cặm cụi chằm chiếc nón bên ánh đèn dầu hiu hắt.

Mỗi lần đi chợ, bà tôi mua về một túi đầy lá nón khô, cẩn thận bỏ vào bao ni lông, bà bảo làm thế để lá không bị mốc. Lá nón ấy, chiều chiều tôi thấy bà mang ra xòe rộng, rồi để lên mảnh lư đất vỡ, dùng bọc vải đã hơ nóng để chuốt cho thật thẳng. Bấy giờ tôi còn vụng về lắm, chưa giúp được bà trong khoản này bởi nó đòi hỏi ở tôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn, nếu không sẽ chẳng may làm rách lá, chiếc nón chằm rồi sẽ chóng hư.

Bà tôi có hai cái khuôn hình chóp để làm nón, tự tay bà ngồi vót những thanh tre tròn để lắp vào nó. Bà lấy lá nón đã chuốt thẳng lắp vào khuôn, dùng dây buộc lại để giữ vị trí chắc chắn cho lá khỏi rơi. Rồi bà mang sợi cước trắng cho tôi xỏ vào lỗ kim, chằm chiếc nón từ đỉnh khuôn trở xuống. Tôi thấy bà dùng lá chuối khô cắt thật vừa vặn để lót vào giữa hai lớp lá, làm thế cho chiếc nón cứng cáp hơn. Bà thạo việc nên chằm nhanh tay lắm, mỗi đêm bà làm được vài chiếc cho đến khi mắt nhòe mờ mới đặt khuôn xuống nghỉ ngơi. Những chiếc nón, ngày mai bà sẽ quét lên nó một lớp dầu bóng để tăng độ bền bỉ và làm nó trông thẩm mĩ hơn.

Bà tôi chằm nón khéo nên chỉ mấy hôm đã được hai chục nón để mang đi bán, rồi lại tiếp tục mua lá nón, sợi cước về cho những chiếc nón sau. Lần nào đi chợ về bà cũng mua cho tôi kẹo Kid có in hình Tây du ký mà tôi cực kì mê, chẳng thế mà tôi cứ suốt ngày quanh quẩn bên bà để xem bà cần gì là lăn xăn lại giúp, vậy mới có kẹo Kid, kẹo dẻo để ăn.

Chính bởi những kí ức về nghề chằm nón của bà mà trong tôi, hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam luôn có những nét vẽ đậm sâu kỉ niệm. Tôi nhớ dáng vẻ uyển chuyển khi bà đội hai chục nón trên đầu, chầm chậm những vòng xe đèo tôi ra chợ. Tôi thích cái hồ hởi của những cô bác nông dân khi gỡ nón lá xuống, phe phẩy quạt mồ hôi lúc nghỉ tay ăn nửa buổi, xoa dịu đi cái nóng rát da ngày hè. Tôi yêu chiếc nón lá thân tình che nắng che mưa, đua nhau nhấp nhô trên ruộng đồng mỗi mùa cày cấy.

Bà tôi bỏ nghề chằm nón đã mười mấy năm, tôi lớn lên cứ tiếc mãi, nghĩ rằng giá như ngày xưa giúp bà được nhiều hơn nữa, thì chắc có lẽ cũng từng tự tay chằm ra một chiếc nón rồi. Vẫn biết ở quê tôi, cái nghề này đã dần mai một, nhưng trong tôi luôn dai dẳng niềm tin về sự trường tồn của chiếc nón lá trong văn hóa và tâm thức của mỗi người con đất Việt, bởi cái nét truyền thống của nó không đâu có thể lẫn vào được.

Tác giả bài viết: Kim Thôi

Nguồn tin: Nguoiquangnam.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nguoiquangnam.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây