Phú Ninh tiên phong về đích NTM trong gian khó

Thứ ba - 28/11/2017 00:09
Qua hơn 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Phú Ninh là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,16%, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Phú Ninh tiên phong về đích NTM trong gian khó

Nhân dịp này, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh về những thành quả mà địa phương đã đạt được.

Phú Ninh tiên phong về đích NTM trong gian khó - Ảnh 1

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh. Ảnh: Hồng Phong.

Qua 6 năm triển khai xây dựng NTM và sau 10 năm tái lập huyện, đến nay Phú Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng nào, thưa ông?

Năm 2010 Phú Ninh vinh dự được Ban chỉ đạo NTM TW chọn là 1 trong 5 huyện của cả nước làm điểm xây dựng NTM. Ngày 31.3.2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 520/QĐ-TTg chính thức công nhận huyện Phú Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

- Xác định sản xuất nông nghiệp (NN) là thế mạnh của huyện, do đó Phú Ninh đã chọn công tác quy hoạch gắn với dồn điền, đổi thửa kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng làm khâu đột phá. Nhờ vậy đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh hàng hóa như: lúa giống, lúa chất lượng cao, dưa hấu. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm trên 5,5% tăng gấp 3 lần so với năm 2005.

Trong lĩnh vực công nghiệp (CN), khi mới thành lập huyện chỉ có 1 cụm CN với 2 dự án đầu tư. Hiện nay huyện đã hoàn thành quy hoạch 1 khu CN, đầu tư 3 cụm CN-TTCN và một số điểm công nghiệp, làng nghề, thu hút 16 dự án đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là may mặc.

Huyện chú trọng phát triển TM-DV, đã và đang xúc tiến một số khu dân cư - thương mại, xây dựng chợ nông thôn ở các trung tâm xã, cụm xã; đã hình thành được 3 cụm TMDV đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi của người dân. Giá trị sản xuất TTCN- TMDV tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 22% trong tổng giá trị kinh tế, giảm 10,6% so với năm năm 2010.

Đặc biệt, giao thông nông thôn được tập trung triển khai với sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Đến nay đã nhựa hóa, bê tông hóa trên 90% đường huyện; 89% đường giao thông nông thôn, 100% đường làng, ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng đã được bê tông và cứng hóa đạt 78,7% (tăng 74,2% so với năm 2010).

Hiện Phú Ninh cũng là địa phương duy nhất của tỉnh có 100% trường mẫu giáo, Trung học phổ thông, Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở khám chữa bệnh từ huyện đến xã được đầu tư xây dựng khang trang, có 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới. Đến cuối năm 2015, Phú Ninh đã đạt chuẩnhuyện NTM và có 10/10 xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2016.

Phú Ninh tiên phong về đích NTM trong gian khó - Ảnh 2

Qua 6 năm triển khai xây dựng NTM, 10/10 xã của Phú Ninh đạt chuẩn NTM. Ảnh: Hồng Phong.

Hiện nay một số xã đã đạt chuẩn NTM, nhưng vẫn có một số tiêu chí bị rớt. Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- Điều không vui với Huyện nhà là trong năm 2016 trong số 8 xã đạt chuẩn NTM của năm 2014, 2015 thì có 3 địa phương Tam Phước, Tam Vinh, Tam Thái đã bị rớt tiêu chí 19 về an ninh trật tự. Việc rớt tiêu chí 19 có thể nói là do bất cập từ quy định về số lượng đơn vị được xét tặng danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, các tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra trên địa bàn.

Trong thời gian tới, huyện tập trung ưu tiên đối với các tiêu chí “mềm” - các tiêu chí thuộc về chất lượng cuộc sống. Trong đó tập trung xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, nâng cao sự hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Phú Ninh đã được công nhận là huyện NTM, tuy nhiên vấn đề nợ trong xây dựng cơ bản, đầu tư hạ tầng NTM còn nhiều. Theo ông đâu là nguyên nhân và Huyện giải quyết vấn đề này như thế nào?
 

- Qua 6 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, tính đến 31.12.2016 tổng đầu tư về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM đối với 10/10 xã của huyện Phú Ninh là 240,5 tỉ đồng (bình quân 24 tỉ đồng/xã). Trong đó, ngân sách là 191,2 tỉ đồng, ngoài ngân sách là 49,3 tỉ đồng. Trong 191,2 tỉ đồng từ ngân sách đã bố trí 152,4 tỉ đồng, còn nợ lại 38,8 tỉ đồng.

Trên địa bàn Huyện đã không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 13,29% năm 2010 xuống còn 3,16% năm 2016, thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/người/năm.

Nguyên nhân chính là do, thời gian tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM ngắn trong vòng 6 năm (từ năm 2011-2016). Tuy nhiên huyện Phú Ninh triển khai thực hiện đồng loạt trên địa bàn toàn huyện với 10/10 xã, trong đó tập trung năm 2014 là 3 xã, năm 2015 là 5 xã…

Tiếp đến là nguồn đối ứng ngân sách xã chủ yếu là từ khai thác quỹ đất. Tuy nhiên trong thời gian năm 2014, 2015 Trung ương đã có chủ trương tạm dừng cấp xã thực hiện khai thác quỹ đất, nên khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản đối với cấp xã.

Phú Ninh tiên phong về đích NTM trong gian khó - Ảnh 3

Từ khi triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Phú Ninh đã khởi sắc. Ảnh: Hồng Phong.

Trong năm 2017, để hoàn thành việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản giai đoạn 2011-2015, nhất là nợ cấp xã, huyện Phú Ninh thực hiện một số giải pháp:

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện đã bố trí nguồn đảm bảo thanh toán nợ hoàn thành trong quý I.2017. Đối với nợ cấp xã, năm 2017, Huyện phấn đấu hoàn thành thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong Chương trình NTM. Ngoài ra, huyện có cơ chế hỗ trợ lại 50% nguồn thu khai thác quỹ đất do huyện làm chủ đầu tư đối với các dự án trên địa bàn xã.

Phú Ninh tiên phong về đích NTM trong gian khó - Ảnh 4

Nhiều trang, gia trại chăn nuôi phát triển trên địa bàn huyện Phú Ninh. Ảnh: Hồng Phong.

Để nâng chất các tiêu chí và giữ vững danh hiệu huyện NTM, những năm tới Phú Ninh sẽ đầu tư như thế nào và đâu là mục tiêu, giải pháp thực hiện?

- Trong giai đoạn 2017-2020, mục tiêu của Huyện là giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt, tính bền vững cao, khớp nối đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó, Huyện sẽ hỗ trợ nguồn lực cho các xã để nâng cao chất lượng của các tiêu chí và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 2663 của UBND tỉnh về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, kinh phí, hiến một phần đất đai, cây cối, vật kiến trúc để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: Báo NTNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây