Mê mẩn trước vẻ đẹp huyền bí của Thánh địa Mỹ Sơn Quảng Nam

Chủ nhật - 29/08/2021 11:02
Với vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí và mang đậm dấu ấn tâm linh, Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những điểm du lịch độc đáo nhất của tỉnh Quảng Nam, thu hút hàng ngàn du khách từ trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.
Mê mẩn trước vẻ đẹp huyền bí của Thánh địa Mỹ Sơn Quảng Nam
Thánh địa Mỹ Sơn chính là một khu di tích đền tháp cổ còn sót lại của văn hóa Chăm pa cổ. Chính nhờ những giá trị về kiến trúc, văn hóa, mà địa danh này được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Như vậy, sau phố cổ Hội An thì Thánh địa Mỹ Sơn chính là di sản văn hóa thế giới thứ hai của tỉnh Quảng Nam. Thật tự hào biết bao! Thế mới thấy được những giá trị lớn lao mà di tích lịch sử này gìn giữ và truyền lại cho thế hệ chúng ta.

Giới thiệu về khu du lịch Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam

Thánh địa Mỹ Sơn nằm cách Hội An khoảng 40 cây số về phía Tây, và cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 cây số về phía Tây Nam, thuộc địa phận của xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được bao bọc bởi một thung lũng có đường kính 2 mét và xung quanh là núi đồi hùng vĩ.
 

Thánh địa Mỹ Sơn

Khu di tích này là tổ hợp của hơn 70 công trình kiến trúc và nằm rải rác trên các ngọn đồi trùng điệp, phản ánh văn hóa truyền thống của người Chăm Pa cổ. Xưa kia, Thánh địa Mỹ Sơn chính là nơi cúng tế và là lăng mộ chôn cất của hoàng thân quốc thích trong Vương triều Chăm Pa trong suốt giai đoạn từ thế ký thứ VII đến thế kỷ thứ XIII . Cũng có sách ghi lại rằng đây là trung tâm của Ấn Độ giáo khu vực Đông Nam Á xưa kia.

Trải qua bao nhiêu bể dâu, thời gian đã tàn phá rất nhiều công trình kiến trúc của khu di tích, hơn 70 công trình nguy nga tráng lệ ngày nào giờ chỉ còn sót lại 20 công trình, và hiện đang được Nhà nước hết sức quan tâm, tôn tạo và bảo tồn lưu giữ.

Địa thế núi non hùng vĩ đã tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí cho khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, du khách khi đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng những đền đài in dấu ấn của năm tháng, mà còn được tận hưởng một bầu không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên thanh mát, lắng nghe tiếng chim hót líu lo trên những tán cây xanh để thấy lòng mình bình yên và lắng lại.

Du khách tìm đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng khám phá cảnh quan, mà còn được nghe kể về những chiến tích hào hùng của lịch sử.
 

Thánh địa Mỹ Sơn

Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn có gì đặc sắc?

Tuy là di tích văn hóa được Nhà nước bảo tồn lưu giữ, nhưng Thánh địa Mỹ Sơn vẫn mở cửa để chào đón khách du lịch tới đây tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của người Chăm pa cổ.

Để có thể khám phá hết được toàn bộ khu tích này, bạn cần tìm hiểu tổng thể và nắm rõ bản đồ của khu thánh địa. Tổng thể Thánh địa Mỹ Sơn bao gồm hai ngọn đồi, nằm quay mặt vào nhau theo hai hướng đông, tây, ở giữa là một con suối nhỏ, các nhánh suối rẽ ra theo các hướng và vô tình trở thành ranh giới tự nhiên chia nơi đây thành các cụm đền tháp nhỏ được đặt tên theo chữ cái Latinh A, B, C, D...

Mỗi cụm di tích đều có tường gạch bao quanh, trung tâm là một tháp chính, và xung quanh sẽ có các tháp phụ hoặc các công trình phụ với kích thước nhỏ hơn, thấp hơn. Tại mỗi tháp chính sẽ có hai cửa thông ra hai hướng đông, tây, mỗi cửa có bậc thang dẫn lên một vòm cuốn được điêu khắc hoa văn tinh xảo.

Mỗi tháp có một chức năng riêng biệt, và thờ những vị thần theo tín ngưỡng của người Chăm Pa. Trong đó ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru, và các đền phụ sẽ thờ các vị thần trông giữ đất trời.

Trung tâm của khu Thánh địa Mỹ Sơn là một tháp chính có tên gọi là Kalan, đây là ngôi tháp cao nhất với chiều cao lên tới 24 mét, đáy tháp hình vuông với mỗi cạnh dài 10 mét. Bên trong tháp thờ một bộ Linga – Yoni khổng lồ, nhưng hiệu nay chỉ còn lại bệ đá Yoni mà thôi.

Để xây nên di tích Thánh địa Mỹ Sơn, người Chăm pa cổ chủ yếu sử dụng gạch nung. Các viên gạch được đẽo gọt và khéo léo xếp chồng lên nhau mà không hề sử dụng một chất kết dính nào, điều kỳ diệu là có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ mà không hề bị phong hóa, chỉ có những phần nào bị nứt vỡ mới thấy dấu hiệu của rêu mốc.
 

Thánh địa Mỹ Sơn

Trong khu di tích còn bảo tồn một kho tàng văn hóa chăm pa cổ đặc sắc, đó chính là hệ thống tượng đá điêu khắc các vị thần linh cũng như được chạm khắc những họa tiết trong tín ngưỡng của người Chăm pa.

Kỹ thuật xây dựng, điêu khắc và chạm trổ của người Chăm Pa quả thật là đã đạt đến mức đỉnh cao, được trang trí tỉ mỉ, sống động như thật, thể hiện niềm tôn kính đối với thần linh, cũng như tin rằng con người sống trong thiên nhiên và vũ trụ luôn có sự giao hòa khăng khít.
 

Thánh địa Mỹ Sơn

Những giá trị văn hóa đặc sắc của Thánh địa Mỹ Sơn

Tại Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ có kiến trúc đền tháp độc đáo mà các giá trị về văn hóa tinh thần cũng vô cùng quý giá và đắc sắc như lễ hội, nghệ thuật, mà nếu có dịp du lịch Quảng Nam ghé qua Mỹ Sơn, du khách nhất định không được bỏ lỡ.  

Sẽ thật tuyệt vời khi ghé thăm Thánh địa Mỹ Sơn vào dịp lễ hội Kate diễn ra vào tháng 7 hằng năm theo lịch của người Chăm. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của người Chăm, được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và ông bà tổ tiên đã phù hộ độ trì và mang đến sự bình an may mắn, mưa thuận gió hòa.

Mở đầu lễ hội là nghi thức cúng cầu an diễn ra ngay tại khu di tích, tiếp đó là các nghi thức rước kiệu, rước nước, trình diễn các điệu múa Chăm cổ, các bài dân ca truyền thống, các nhạc cụ của người Chăm như trống paranưng, kèn saranai, lục lạc, tù và, đàn nhị.
 

Thánh địa Mỹ Sơn

Bên cạnh Lễ hội truyền thống thì điệu múa Chăm pa chính là nét văn hóa tinh thần quý giá của Thánh địa Mỹ Sơn, và hút hồn biết bao nhiêu du khách khi tới đây.

Các điệu múa ngày nay được sử dụng trong biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch, nhưng xưa kia đây là những điệu múa được trình diễn trong các lễ hội truyền thống như một nghi thức dâng lễ, hay bái vọng thần linh.

Những nàng vũ nữ Chăm pa xiêm y lộng lẫy, đeo trang sức lấp lánh, đôi tay búp măng cong cong, vòng eo mềm mại, bộ ngực căng tròn... mang đến một vẻ đẹp quyến rũ, khỏe khoắn. Thân hình uyển chuyển, thướt tha trong những điệu múa truyền thống như múa quạt, múa Apsara, mua đội nước, cắn lửa... làm đắm say biết bao nhiêu du khách có cơ hội được thưởng thức.
 

Thánh địa Mỹ Sơn


Bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh của các vũ nữ Chăm pa xuất hiện rất nhiều trên các tháp cổ, được điêu khắc vô cùng sống động, tinh tế.

Tác giả bài viết: https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/me-man-truoc-ve-dep-huyen-bi-cua-thanh-dia-my-son-quang-nam.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây