Ký ức một thời văn nghệ

Chủ nhật - 01/10/2017 11:13
Từ một làng quê Quảng Nam rồi ra Đà Nẵng lúc bắt đầu lên học bậc trung học, rồi sau những năm học đại học ở Sài Gòn, tôi lại quay về thành phố biển ấy cho đến nay.
Bãi biển Thanh Bình năm 1960.
Bãi biển Thanh Bình năm 1960.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua cùng với nhiều kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm văn chương, bởi từ lúc học trung học tôi đã mon men theo con đường sáng tác rồi quen biết nhiều bạn bè trong giới, có những người lớn hơn tôi hàng chục tuổi, có người từng là thầy dạy học…

Từ Hội Văn nghệ bên bãi biển Thanh Bình

Bãi biển Thanh Bình vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước là một bãi cát vắng lặng, vị gió biển trong tiếng gió vi vu thổi qua những hàng dương liễu tạo ra một âm thanh mới lạ, hấp dẫn mà sống ở thôn quê tôi chẳng bao giờ có được. Đứng trên bãi biển Thanh Bình hồi đó, chú bé là tôi vẫn không hết ngạc nhiên bởi ánh sáng từ những bóng đèn tròn chao nghiêng trong gió giữa công viên, rồi bị cuốn hút vào những người phụ nữ, tay xách đèn dầu, tay bưng mủng hàng, cất tiếng rao lanh lảnh: Hột… vịt… lộn… đây…! Ngửi, nghe, nhìn những cảnh vật phố phường đầu đời của tôi là trên bãi biển này… Để rồi, vài thập niên sau khi về làm việc ở tạp chí Đất Quảng, tôi lại nhiều lần ra bãi biển Thanh Bình, cùng với các nhà văn xứ Quảng ngồi nói chuyện bể dâu. Nhà văn Cung Tích Biền đọc thơ Đường và nói chuyện lịch sử thư pháp, nhà nghiên cứu Trương Duy Hy nói về những dự án văn học mà ông đang ấp ủ ở tuổi ngoài… cổ lai hy! Lại nhớ những lần cùng các nhà thơ Vũ Hữu Định, Phạm Phú Hải, họa sĩ Hồ Đắc Ngọc lang thang trên biển vắng trước năm 1975. Lại nhớ những nữ sĩ Phan Thị  Thanh  Nhàn, Ngô Thị Kim Cúc cùng tôi chân trần trên bãi tắm Thanh Bình một sớm mai yên ả sau cơn bão năm 1985, vừa đi vừa đọc thơ tình sau chiến tranh.

Hồi gia đình giáo sư Hoàng Châu Ký mua nhà ở đây, có lẽ tuần nào tôi cũng ra thăm vì chơi thân với các con ông, nhà thơ nữ Ý Nhi, nhà văn Hoàng Trọng Dũng, nhà thơ - đạo diễn Đoàn Huy Giao… Có hôm giáo sư Hoàng Châu Ký nói về văn hóa đọc ở Đà Nẵng. Ông bảo lúc trở về Đà Nẵng với cương vị Viện trưởng Viện Sân khấu và nhà nghiên cứu tuồng, ông tìm đến thăm nhiều bạn cũ và bà con. Ông ít thấy nhà nào có được một tủ sách cho ra hồn. Họ ít đọc quá! Có vài nhà nguyên là công chức có đôi ba chục cuốn đặt trên kệ nơi phòng khách, thì hầu như chỉ để trang trí vì sách vẫn còn mới! Nhà thơ nữ Ý Nhi lúc đó là cán bộ biên tập của nhà xuất bản tác phẩm mới vừa in tập thơ “Người đàn bà ngồi đan” rất được dư luận khen ngợi. Nhưng chị ít nói về thơ mình, mà cứ nhắc đến những tác giả phía nam như các anh Lê Văn Ngăn, Trần Vạn Giã, những người có sáng tác đầy cá tính mà chị đã đọc khi còn ở miền Bắc, nhưng họ lại không chịu in sách riêng, dù chị đã nhiều lần liên lạc, đề nghị. Chị hay nhắc đến nhiều nhà thơ trẻ ở Quảng Nam “làm thơ rất có nghề, có tứ lạ…”. Ở Ý Nhi, tôi thấy chị đọc khá nhiều và có năng lục thẩm thơ tinh tế.

Ở gần biển Thanh Bình là cơ quan Hội Văn nghệ và tạp chí Đất Quảng, là nơi lui tới của các văn nghệ sĩ lớp trước như Nguyễn Văn Bổng, Khương Hữu Dụng, Hữu Loan, Văn Cao, Trinh Đường, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân… từ miền Bắc vào. Cụ Bổng lúc nào trong túi áo cũng sẵn một cái chai dẹt đựng rượu “cuốc lủi”. Thỉnh thoảng lại mở ra rót vào chiếc cốc mắt trâu và mời quanh. Cụ Trinh Đường là người thuộc rất nhiều thơ nhưng lại luôn khuyến khích anh em trẻ nên đi thực tế và ghi chép để “tích lũy” vốn sống. Có lần cụ bảo tôi: “Cậu có 10 năm làm nông nghiệp, cái vốn đó ít người có, hãy tiếp tục bổ sung và viết về nông thôn!”. Trong lúc nhà văn Phan Tứ thì rất nguyên tắc trong làm việc cũng như sáng tác. Đi đâu về, kể cả công tác nước ngoài, ông đều gọi anh em lại, kể chuyện ông đã đi, đã trải nghiệm. Một hôm để viết gì đó về nghề cá, ông cũng rủ nhà văn quân đội Gia Vy bỏ tiền túi ra bến cá Thanh Bồ thuê ghe ra khơi để mua bán cá, nghe ngư dân kể về nghề cá rất chi tiết.

Tôi từng nghe nhà thơ Thu Bồn kể chuyện lúc Phan Tứ nuôi gà ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã tự thiết kế, chuẩn bị vật tư và tự đóng lấy chuồng nuôi gà đẻ ở khu tập thể, đến nỗi chỉ có ông mới lấy được trứng trong chuồng. Có người muốn đóng cái chuồng gà như vậy, ông đưa cả bản vẽ và dự toán vật tư để về… tự đóng lấy!

Phan Tứ có kể một nhà văn trẻ thường đến nhà ông, tự bảo cũng là “thiên tài”. Ông tiếp hoài sinh cáu gắt, và một hôm ông nói thẳng: “Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp trên cơ sở bản thảo anh cho tôi đọc trước! Thế nhé!”. Vậy là từ bữa đó, thiên tài kia… biến mất!

Đến lò văn chương Phan Châu Trinh

Từ lúc đi học trung học, chúng tôi thường đi bộ từ nhà đến trường Phan Châu Trinh qua trục Hùng Vương… Ngã tư Hùng Vương - Ngô Gia Tự hồi đó có quán sách Bình dân thư quán chuyên cho thuê truyện kiếm hiệp, diễm tình và nhà may Song Châu mà chủ nhà là thi sĩ Trần Gia Thoại, thân sinh của thầy giáo kiêm nhà nghiên cứu lịch sử Trần Gia Phụng, sau này có dạy tôi ở trường Phan Châu Trinh. Cụ Trần Gia Thoại có tập thơ dịch từ các nhà thơ Đường và Pháp in thành tập Trời viễn phương tại Đà Nẵng cuối năm 1974. Sách vừa in xong phần ruột thì giải phóng. Sau này tôi nhặt được một cuốn từ bà mua đồ cũ. Trên chút nữa, ở ngã tư Triệu Nữ Vương là phòng mạch của bác sĩ - nhà thơ tiền chiến Thái Can với câu thơ nổi tiếng: “Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với nhân gian một nụ cười”. Người lớn kể rằng ông bác sĩ - thi sĩ này nổi tiếng khám bệnh và phát rất nhiều thuốc theo kiểu bao vây bệnh! Gần đó là căn nhà tồi tàn rào lưới B40 trên gác của Vũ Hữu Định. Tôi quen biết anh ở đây từ năm 1970, hai năm trước khi Phạm duy phổ nhạc bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của anh…

Trường Phan Châu Trinh xưa - nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ.
Trường Phan Châu Trinh xưa - nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ.

Khi tôi vào Phan Châu Trinh một năm sau thì trường nữ Trung học Hồng Đức xây dựng trên một nghĩa địa cũ mới khai trường, nên lớp chúng tôi vẫn còn học chung với nữ sinh. Nhưng niềm hãnh diện của học trò Phan Châu Trinh không chỉ là trường công lớn nhất mà còn có những lớp đàn anh cựu học sinh tài năng như các nhạc sĩ Nhật Ngân, nhà văn - nhà báo Phan Nhật Nam, Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Hồ Thành Đức… và các lớp kế cận trước chúng tôi hoặc đồng thời như Lương Thái Sĩ, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nguyễn Hữu Viện, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Lương Vỵ, Đoàn Thạch Biền, Trần Ngọc Châu… hoặc sau này trong văn chương, báo chí có Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Công Khế, Lê Minh Quốc, Phạm Sĩ Sáu… Nhiều thầy giáo Phan Châu Trinh cũng là những người đã thành danh trên đường văn nghệ như các nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn, Trần Đình Quân, Tôn Thất Lan, các nhà thơ Trần Hoan Trinh, Đông Trình, họa sĩ Đỗ Toàn…

Trường Phan Châu Trinh vì vậy được chúng tôi gọi là cái “lò văn chương” ở Đà Nẵng! Cái lò ấy đã sản sinh ra phong trào Du ca và các tuyển tập, giai phẩm sáng tác của các thế hệ thầy trò. Tôi nhớ từ lớp đệ tứ trở đi, năm nào chúng tôi và các bạn đều có các “giai phẩm xuân” cho riêng lớp mình!    

Hồi năm 1972, khi Đông Trình ra mắt tập thơ “Rừng dậy men mùa”, bìa của họa sĩ Đỗ Toàn, nhân dịp tôi vào Sài Gòn học đại học, ông nhờ tôi mang 50 cuốn vào cho người quen ở tạp chí Đối Diện, ngụ tại nhà thờ trên đường Kỳ Đồng. Trên đường đi giao sách, tôi bị cảnh sát bắt và đòi tịch thu số sách đó. May, tôi nhanh trí nói dối là mang sách cho Linh mục Thanh Lãng, chủ bút tạp chí Nghiên cứu Văn học mà tôi đã cộng tác từ năm học lớp 11, nên được tha.

Kể ra, Đà Nẵng trước và sau 1975 còn có một điểm quy tụ nhiều anh em văn nghệ sĩ vào mỗi buổi sáng là quán cà phê Thăng Long gần chợ vườn hoa khá nổi tiếng. Quán đơn sơ, ghế bàn lúp xúp nhưng lúc nào cũng đông khách và râm ran bao câu chuyện giữa các thầy giáo, dân văn nghệ và những ai liên quan đến văn chương. Nhưng đây là một phần khác mà khi thuận tiện tôi sẽ kể lại. Chỉ nhớ, các bạn văn nghệ của tôi như Vũ Hữu Định, Hồ Đắc Ngọc thường “ký sổ” ở đây. Giữa năm 1981 khi tác giả “Còn chút gì để nhớ” đã qua đời mấy tháng, tôi còn thấy chủ quán ghi “sổ nợ” bằng phấn ở phía sau cái tủ: “Trung Lùn (tên bạn bè thường gọi Vũ Hữu Định) còn nợ 5 đồng”. Sau này cả cái quán cà phê cóc và khu chợ Diên Hồng đều bị giải tỏa, như đã làm mất đi không gian văn nghệ đã gắn bó một thời với chúng tôi!

Nguồn tin: Báo Quảng Nam: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây