Người e dè, kẻ thích thú món ăn từ…sùng đất

Thứ hai - 13/11/2017 22:31
Nếu như về miền Tây, nhiều du khách khá hãi hùng món đuông dừa sống thì ở nhiều nơi các món ăn từ sùng khiến người ta e dè chẳng kém. Sợ là thế đấy, nhưng các món ăn từ loại côn trùng này cũng làm thực khách mê tít.
Người e dè, kẻ thích thú món ăn từ…sùng đất

Người e dè, kẻ thích thú món ăn từ…sùng đất - Ảnh 1

Sau vụ thu hoạch, khi mùa đông kéo về tới cuối năm, cũng là khi người dân tại các huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), huyện An Lão (Bình Định), xã Trà Giang (Quảng Nam)…lại nô nức rủ nhau đi săn sùng đất. Đây được xem là lộc trời cho khi loại côn trùng trên khi “sốt” có giá đến nửa triệu đồng 1kg.

Sùng đất là gì mà có giá đến vậy? Thực ra, sùng đất là ấu trùng của con bọ hung. Loại côn trùng này chuyên phá hoại mía non, củ khoai, củ mì và thường nằm sâu dưới lòng đất, đào hang làm ổ và cắn phá gốc rễ khiến cây bị chết khô và phá hoại củ. Người nông dân thường tìm cách tiêu diệt sùng đất để bảo vệ mùa màng của mình.

Nếu như về các xã An Hòa và An Tân - huyện An Lão (Bình Định) trong thời điểm này đừng ngạc nhiên nếu như bạn nhìn thấy cảnh tượng hàng chục người dân đang lúi húi đào xới ở các vùng đất soi, ven sông An Lão. Sau vụ thu hoạch, những mảnh đất nhiều cỏ mọc dường như bị xới tung để săn tìm loại sùng đất. Cũng dễ hiểu thôi, khi tháng 8 âm tới hết năm là thời điểm sùng tươi ngon nhất, nhiều sữa và rất sạch sẽ. Thật lạ, cũng mảnh đất đó vừa xới để bắt sùng, xới lại thêm lần nữa cũng có thể dễ dàng bắt những chú sùng ngon nõn.

Người e dè, kẻ thích thú món ăn từ…sùng đất - Ảnh 2

Người dân địa phương tiết lộ, chỉ cần nhìn thấy những cây lạc, cây ngô hay lau lách dọc bờ sông bị héo lá thì có khả năng rất cao sùng đất đang quanh quẩn dưới gốc.

Có người cho là sùng đất có công dụng trong chốn phòng the nhưng ở quê tôi, từ lâu là đặc sản đó. Sùng đất, mình nhìn là biết nó chuyên phá cây gì liền. Sùng ăn khoai thường có màu trắng, to hơn sùng mía một chút. Còn sùng ăn mía thì có màu vàng đậm và to bằng ngón tay cái người lớn. Giờ thì sùng đất có giá trị lắm, bắt bán có tiền, vừa xới đất tốt cho trồng trọt vụ sau”, ông Tuấn (An Tân, Bình Định) cho biết.

Sùng đất khi bắt được phải thả vào thùng nướng để khỏi bị đen và mọc những sợi lông tơ, bốc mùi ươn, ăn không ngon. Nếu không ngâm nước thì có thể bảo quản sùng tươi ngon bằng cách cho nguyên con vào xô, chậu, rồi phủ lên một lớp cát, giống như con sùng đang sống dưới đất. Sơ chế loài côn trùng này cũng khá đơn giản khi ngắt phần đuôi, bỏ ruột, cắt mõm, loại bỏ răng sùng, để ráo nước. Muốn giữ sùng tươi ngon được lâu, sau khi sơ chế, để ráo nước, bỏ vào túi thực phẩm buộc chặt cho vào ngăn đá tủ lạnh, có thể để dành trong vài tháng vẫn sử dụng được. Rồi từ đây, bao nhiêu món ngon ra đời từ luộc, xào, chiên, nướng…với đủ kiểu biến tấu.

Người e dè, kẻ thích thú món ăn từ…sùng đất - Ảnh 3

Tại Bình Định, sùng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng chung quy lại có 3 món “chủ lực” là sùng xào lá lốt, sùng nướng chấm muối ớt và sùng chiên bột. Dù cách chế biến khác nhau nhưng khi ăn một con sùng có thể cảm nhận sự ngon miệng bởi nó hòa quyện giữa độ giòn, dai, béo ngậy... Món sùng càng hấp dẫn hơn nếu được nhâm nhi với một chút bia, rượu vừa phải.

Ở Bình Định sùng được chế biến giản dị là vậy, còn tại Quảng Nam, người dân cũng có những bí quyết riêng của mình trong việc chế biến món ăn. Chủ lực nhất là các món sùng đất được xắt nhỏ để nấu cháo đậu xanh, nấu canh với đu đủ và lá lốt hoặc rang. Theo những người sành ăn, để giữ nguyên được hương vị đặc trưng của sùng đất thì chỉ cần bắc chảo lên bếp cho nóng rồi cho sùng đã được rửa sạch vào khuấy đều. Không cần đến dầu, mỡ từ thân sùng chảy ra cũng đủ làm chín món ăn.

Người e dè, kẻ thích thú món ăn từ…sùng đất - Ảnh 4

Nhưng trong số đó, đừng quên sùng đất nướng muối ớt bởi đây là món ăn được “dân nhậu” khoái nhất. Sau khi “tắm” qua lớp than hồng, sùng sẽ được hô biến thành món ăn cực ngon với màu vàng bắt mắt, dậy mùi thơm. Sùng đất khi ăn cuộn chung với lá lốt non, lá mơ, xà lách, bánh tráng mỏng rau sống chấm cùng nước mắm chua ngọt. Cắn nhẹ một con sùng, ta nghe dậy mùi thơm, vị dai giòn bên ngoài, phần sữa béo ngậy bên trong tứa ra mềm môi.

Có một bí quyết nho nhỏ người dân rỉ tai rằng, để dễ nướng sùng hãy “xiên que” chúng, sau đó đặt vào vỉ sẽ rất dễ nướng lại tránh bị rớt ra ngoài. Thêm nữa, bí quyết trước khi nướng là mổ bụng sùng đất rồi nhét nghệ tươi vào, như vậy món ăn sẽ có hương vị đặc biệt hơn.

Mới nghe rằng “ăn” ấu trùng của con bọ hung, nhiều người đã sởn gai ốc, “ôi thôi kinh dị!” nhưng sùng lại chế biến được bao nhiêu món ngon. Mỗi địa phương lại có những cách chế biến khác nhau như sùng đất đổ bánh xèo, sùng đất luộc, sùng đất rang… không chỉ vậy, nó còn phơi khô sau đó là ngâm rượu. Theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh.

Hầu như loại thực vật, côn trùng nào cũng có những hương vị riêng, bảo sao ẩm thực người Việt phong phú đến vậy!

Nguồn tin: Báo Mới:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây