Vọng ngày thơ

Thứ tư - 16/09/2015 08:07
(QNO) - Làng Hoán Mỹ (Đại Lộc) quê tôi ngày ấy dẫu nhiều khó khăn nhưng không gợn cảm xúc buồn. Thay vào đó là nền tảng, bệ phóng để thế hệ chúng tôi vươn lên và trưởng thành...
Quê hương tuổi thơ luôn là bệ phóng để thế hệ chúng tôi trưởng thành
Quê hương tuổi thơ luôn là bệ phóng để thế hệ chúng tôi trưởng thành
Làng Hoán Mỹ (Đại Lộc) quê tôi ngày ấy dẫu nhiều khó khăn nhưng không gợn cảm xúc buồn. Thay vào đó là nền tảng, bệ phóng để thế hệ chúng tôi vươn lên và trưởng thành...
Mẹ tôi kể, sau ngày giải phóng, tôi mới được sáu tháng tuổi. Nhà đông con nên ba mẹ rất vất vả, cái ăn, cái mặc thiếu trước hụt sau, nhưng cái học thì nhất định phải ưu tiên hàng đầu. Nhờ thế, chín chị em chúng tôi sau này mới có “cái chữ”. Việc đi tìm con chữ ngày ấy khá gian nan không chỉ chuyện cơm áo mà còn trường xa nhà, đường sá sình lầy mỗi khi mưa lũ. Ba mẹ tôi luôn động viên các con gắng học, sau này thành “người”, sẽ biết cách vượt qua khó khăn.
 
Ảnh: Internet

Để cải thiện đời sống, mẹ tôi tập tành buôn bán. Ngày trước, ở quê bạt ngàn ruộng mía cùng nghề nấu đường bát, mẹ nảy ý định thu mua mang ra chợ bán sỉ, lẻ. Với bầy con đông, lại ít vốn nên đồng lời hạn chế. Nhưng dù sao đôi quang gánh “thức thời” của mẹ cũng đã vực chúng tôi về tất cả mọi mặt. Trong khó khăn chung của thời bao cấp, nhà nhà phên tre mái rạ, chuyện hạt gạo cõng sắn cõng khoai, hay người lớn làm đồng tính điểm... hẳn là dấu ấn khó phai đối với nhiều người.

Trong gian khó, sự đùm bọc, nương tựa vào nhau trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Bão lũ về, nhà này í ới gọi nhà kia, hỏi thăm chừng xem nhà bên ấy có an toàn không; lợn gà có mất mát con nào không và sẵn sàng chia sẻ những lon gạo ngày giáp hạt. Khó khăn là vậy, nhưng việc học luôn được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cũng ý thức mong mỏi của cha mẹ bằng cách chăm chỉ học hành, nhờ thế tỷ lệ học sinh ở làng tôi “học lên” ngày càng cao.

Nhớ xưa, chúng tôi vừa học, vừa lao động giúp đỡ gia đình. Tuổi thơ gắn liền với ruộng lúa, đàn trâu. Chúng tôi đến trường bằng những bộ quần áo “đồng phục” thời tem phiếu, bằng ngòi bút lá tre chấm mực mùng tơi. Mọi sinh hoạt, học tập đều trông chờ vào đàn heo của mẹ, hay cả những vạt lúa non ngoài đồng. Có thể vì lớn lên trong gian khó, cơ hội thoát nghèo luôn thúc giục chúng tôi, để rồi nhiều người học giỏi, thành đạt ở những miền đất mới, vẫn luôn hướng về quê hương, cội nguồn.

Chưa bao giờ phong trào khuyến học được quan tâm sâu sắc như hôm nay. Quỹ khuyến học được nhiều người hưởng ứng, kịp thời động viên tấm gương vượt khó, hiếu học, khích lệ tinh thần học hỏi, phấn đấu của con em trong làng. Ở làng, có cụ Lê Phước Thiệt, dù đã 81 tuổi vẫn đăng ký dự thi cao học. Với cụ Thiệt “học trước hết là cho bản thân mình, để trí não được tập thể dục, để tinh thần minh mẫn và sự học không bao giờ là quá trễ với bất cứ ai”. Không ít người trẻ ở làng tôi, sau khi hay tin cụ Thiệt tuổi cao mà vẫn ham học, họ bỗng thấy không có lý do gì mà mình ngừng học. Tấm gương cụ Thiệt, một lần nữa khơi gợi niềm đam mê học tập của con em làng Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.

Theo lệ, mỗi năm làng họp mặt con cháu một lần vào dịp cận tết. Đây là thời điểm thích hợp để con cháu tề tựu, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau, là dịp ôn lại nét đẹp của văn hóa làng. Thế hệ ông bà, cha mẹ chúng tôi, kẻ còn người mất. Người còn sống hay kể về làng với nhiều ký ức khó quên. Đường làng giờ được bê tông hóa cùng hệ thống đèn thắp sáng. Mỗi lần đi trên con đường mới, ký ức xưa cũ lại ùa về. Làng Hoán Mỹ ngày ấy dẫu nhiều khó khăn nhưng không gợn trong tôi xúc cảm buồn. Thay vào đó là nền tảng, bệ phóng để thế hệ chúng tôi vươn lên và trưởng thành. Giữa mênh mông xứ người, giữa những ngày năm hết Tết đến, tuổi thơ xưa vọng lại, chợt thấy lòng mình bỗng xốn xang.

 

Nguồn tin: nguoiquangxaque.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây